Ăn mày là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 02/12/2023

Ăn mày là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Ăn mày dùng để chỉ những người kiếm sống bằng cách xin tiền bạc, đồ dùng bố thí của người khác.
 

Hoài Linh tiểu phẩm hài
Nghệ sĩ Hoài Linh trong tiểu phẩm hài "Thà ăn mày hơn ăn cướp". Ảnh: Youtube


Trong giới nghệ sĩ sân khấu (cải lương, kịch nói, ca nhạc), có một điều kiêng kỵ bất thành văn là nghệ sĩ rất hiếm khi, thậm chí là không bao giờ cho tiền người ăn mày. Điều này xuất phát từ câu chuyện được truyền miệng rằng, ông Tổ nghề sân khấu vốn xuất thân từ ăn mày, tức là nghề hát và người ăn mày có cùng chung Tổ nghiệp. Nếu như người ăn mày sống nhờ vào tiền của bố thí của người khác thì nghề hát lại sống nhờ vào đồng tiền của khán giả thưởng thức, hay nói thẳng ra là nghệ sĩ sân khấu “ăn mày” khán giả.

Bởi vậy mới có chuyện nghệ sĩ làm từ thiện khắp nơi nhưng không bao giờ cho tiền người ăn mày, vì làm thế khác nào phạm thượng với tổ nghiệp và cũng là để tránh mất lộc. Để tránh điều kiêng kỵ này, giới nghệ sĩ thường mượn tay người khác cho tiền người ăn mày chứ không đưa trực tiếp hoặc tự tay mua đồ ăn để cho hoặc mua những gì họ đang bán (chẳng hạn vé số) chứ tuyệt nhiên không bố thí tiền lẻ cho người ăn mày. 
 

Tại sao gọi là ăn mày? 


Ăn mày (hay còn gọi là ăn xin), tiếng Anh là beggar, Hán Việt là hành khất, tiếng lóng theo tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung là Cái Bang, còn Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ Học) định nghĩa từ ăn mày gồm 3 lớp nghĩa:
 

1. Xin của bố thí để sống. Xách bị đi ăn mày.

2. Cầu xin của thánh, Phật, theo tín ngưỡng. Ăn mày cửa Phật.

3. Người chuyên ăn mày để sống. [1]


Xuất xứ của từ ăn mày hiện vẫn chưa rõ ràng, ít nhất có hai giả thuyết về nguồn gốc của từ này.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng mày trong ăn mày chính là tên gọi của lớp vảy vỏ nhỏ xíu nằm phía trên đầu của hạt gạo; khi xay xát hoặc nghiền nhỏ, mày sẽ bị rơi xuống giống như một thứ bụi vụn dễ lẫn vào cám hoặc hạt tấm "loại hai" [2]
. Trường hợp hạt thóc không xay ra làm gạo mà được ủ làm lúa giống thì mày sẽ trở thành mầm lúa. Thường thì những loại này (gồm mày, tấm loại hai, cám, ...), người ta dùng để nấu cho lợn ăn hoặc nếu có bỏ đi cũng không tiếc. 

Vì lẽ đó, theo giả thuyết này thì 
ăn mày nghĩa gốc ban đầu chính là dùng chỉ những người khốn khổ, đói cơm, vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng phải đi gom nhặt những thứ người ta bỏ đi hoặc ban phát chút của "ăn không hết" là mày gạo, cám, mày ngô vốn là những thứ vốn dùng cho lợn hoặc thứ bỏ đi. Và cũng vì cùng đường tận lối mới phải theo “nghề” ăn mày, chứ cũng ngậm ngùi lắm, tủi hổ lắm.
 

Hạt thóc không xay ra làm gạo mà được ủ làm lúa giống thì mày sẽ trở thành mầm lúa. 

Giả thuyết thứ hai cho rằng mày ở đây là lông mày. Những người làm "nghề" này do phải quỳ lạy sát đất để xin của bố thí trong thời gian dài khiến lông mày của họ bị trụi. Vì lẽ đó, theo giả thuyết này thì ăn mày dùng để chỉ những người đã bị "ăn" lông mày; trong đó từ ăn có thể được hiểu theo hai nghĩa: 
 
i. Phải nhận lấy, chịu lấy (cái không hay; hàm ý mỉa mai). Ăn đòn. Ăn đạn.

ii. Làm tiêu hao, hủy hoại dần dần từng phần. Sương muối ăn bạc trắng cả lá. Sơn ăn mặt. [3]
 
Ngày nay, ăn mày đã biến tướng và trở thành một vấn đề nhức nhối của đô thị. Bên cạnh những người ăn mày vì hoàn cảnh mới phải xin bố thí của thiên hạ, vẫn có những thanh niên sức dài vai rộng cũng tự biến mình thành kẻ tàn tật để gợi lòng thương hại của người khác mà xin ăn.

Chú thích

[1]. Viện Ngôn ngữ học, chủ biên Hoàng Phê. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr. 13, 14.

[2]. L
oại gạo bụi rất nhỏ so với tấm "loại một" vẫn bán ở các tiệm cơm tấm hiện nay. 

[3]
Viện Ngôn ngữ học, chủ biên Hoàng Phê. (2003). Từ điển tiếng Việt. Sđd. Tr. 12.
 
Bình luận (0)