Cải lương nghĩa là gì? Nguồn gốc của cải lương | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 05/09/2023

Cải lương nghĩa là gì? Nguồn gốc của cải lương?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn 


Cải lương (改良) có nghĩa ban đầu là cải cách, đổi mới nghệ thuật hát bội. Điều này xuất phát từ hoàn cảnh ra đời của môn nghệ thuật này.


Cái tên cải lương xuất hiện lần đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh vào năm 1920 với câu đối như sau:
 
 CẢI cách hát ca theo tiến bộ
LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh.

Nhưng trước đó, khoảng đầu thập niên 1900, loại hình nghệ thuật này đã manh nha xuất hiện với sự ra đời của các ban tài tử đờn ca. Nếu trước kia cầm (trong "cầm, kỳ thi, họa") là của tầng lớp thượng lưu thì đến giai đoạn này nó không còn bị bó buộc trong phạm vi đó nữa, mà đã phổ biến rộng ra ngoài. Chính vì thế nhạc tài tử ở các tỉnh phía Nam, về nội dung lẫn hình thức, dần dà thoát ly khỏi nhạc truyền thống có gốc từ Trung, Bắc.

Vào khoảng thời gian này, khi người ta nghe “hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm"[1], thì việc xuất hiện các ban tài tử đờn ca có thể biểu diễn trên sân khấu, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Trong đó, Mỹ Tho (tức tỉnh Tiền Giang hiện nay) được xem là nơi khai sinh nghệ thuật cải lương với sự ra đời của ban nhạc tài tử đầu tiên ở Nam Bộ do ông Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia (tục gọi Tư Triều), lập ra.

Đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga
Một băng rôn của đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga nổi tiếng trước năm 1975 
 

Trong thời kỳ này, do tỉnh Mỹ Tho đóng vai trò là đầu mối xe lửa đi Sài Gòn nên khách ở các tỉnh miền Tây muốn đi Sài Gòn đều phải ghé đây. Trong số khách, có ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long là người hâm mộ cầm ca. Khi ông nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại, như bài " Bùi Kiệm - Nguyệt Nga", với một giọng gần như có đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Khi về lại Vĩnh Long, ông liền cho người ca đứng trên bộ ván ngựa và "ca ra bộ". Ca ra bộ phát sinh từ đó, khoảng năm 1915 - 1916.

Vào năm 1917, ông André Thận (Lê Văn Thận) ở Sa Đéc có gánh hát xiếc tên là Sadec Amis, sau khi xem đoàn xiếc của Mỹ sang Sài Gòn và lưu diễn tại các tỉnh miền Nam, ông đã nảy ra ý hay đem áp dụng cho Sadec Amis của mình bằng cách đệm màn phụ diễn như xiếc chen vào màn ca ra bộ. Bởi vậy nên gánh của ông luôn lôi kéo khán giả. Sau đó ông trương bảng: "Gánh hát thầy Thận Cirque jeune Annam - Ca ra bộ - Sadec Amis".

Qua năm 1918, ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho chuộc gánh của ông André Thận rồi sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản soạn tuồng, đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương.

 

Chú thích

[1] Trích trong cuốn "50 năm mê hát" (năm mươi năm cải lương) của học giả Vương Hồng Sển (sách đã dẫn)

Tham khảo và trích dẫn

1. Vương Hồng Sển - 50 năm mê hát (năm mươi năm cải lương), Nhà xuất bản Trẻ, tháng 4/2007

Website cùng hệ thống

Atahome
Bình luận (0)