Đồng dao cho người lớn (Thơ Nguyễn Trọng Tạo) | AtaBook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 21/08/2023
Nguyễn Trọng Tạo - Đồng dao cho người lớn
 


Bài thơ Đồng dao cho người lớn được Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019) sáng tác năm 1992. Bài thơ cũng được tác giả lấy làm tên cho cả tập thơ của mình, do nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Tựa đề bài thơ gây tò mò cho độc giả, giống như cách nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đặt tên tập truyện ngắn xuất bản lần đầu năm 1987 có tên là Chuyện cổ tích dành cho người lớn, bởi ai cũng biết rằng, đồng dao hay chuyện cổ tích là thể loại của văn học dân gian dành cho trẻ con.  

Bài thơ có cấu trúc khá độc đáo. Thứ nhất là các câu thơ gồm hai mặt đối lập, chẳng hạn: chết-sống, hỏi-trả lời, cha mẹ-trẻ mồ côi, chớp mắt-nghìn năm, ... Thứ hai là đọc câu thơ cuối xong nối với câu thơ đầu thì mạch thơ vẫn liền mạch, tạo nên một bài đồng dao không bao giờ dứt:

có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi (câu cuối)
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi (câu đầu)

Câu thơ: có con người sống mà như qua đời phần nào khiến độc giả nghĩ đến câu danh ngôn nổi tiếng của Benjamin Franklin – nhà lập quốc Hoa Kỳ: “Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn” (Some people die at 25 and aren't buried until 75). Có thể Nguyễn Trọng Tạo định nói khối người đang sống mà như chết rồi, nhưng có vẻ ông đã lịch sự dùng từ qua đời cho đỡ chối tai một số người đang còn sống đấy mà như đã chết chăng?

Đồng dao cho người lớn 

có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời

có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.


(Nguyễn Trọng Tạo)


 
 
Bình luận (0)