Thời Bắc thuộc là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 06/10/2023

Thời Bắc thuộc là gì?

AtaBook.com - Truyền bá tri thức
 

Thời Bắc thuộc là thuật ngữ dùng để chỉ thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam kéo dài hơn 1.000 năm dưới sự thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc.


Thời Bắc thuộc là gì
 
Bắc trong Bắc thuộc dùng để chỉ các triều đại phong kiến phương Bắc  (tức Trung Quốc) đã xâm lược và đô hộ nước ta; còn thuộc là viết tắt của thuộc địa hoặc thuộc quốc có nghĩa là nước bị mất chủ quyền, trong quan hệ với nước mà nó phải lệ thuộc[1]

1.000 năm Bắc thuộc là những năm nào?  


Trong bài hát Gia tài của Mẹ do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965 mở đầu bằng câu: “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”.
 
Thật ra, đây là cách nói ví von bởi xét về mặt nghiên cứu lịch sử, thời Bắc thuộc không phải là con số 1.000 năm được làm tròn như thế. Thậm chí, các nhà viết sử vẫn chưa thống nhất với nhau rằng liệu Việt Nam có hơn 1.000 năm Bắc thuộc hay chỉ có chừng hơn 500 năm bị Bắc thuộc mà thôi? [2]
 
Dưới đây là danh sách tên và số năm mà các triều đại phong kiến trung Quốc đã đô hộ Việt Nam trong thời Bắc thuộc để quý vị tiện đường tham khảo:
 
• Nam Việt do Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) lập ra từ năm 206 TCN, đô hộ nước ta từ năm 179 TCN đến năm 111 TCN. Tổng cộng: 68 năm.
 
• Tây Hán (cũng gọi là Tiền Hán) do Lưu Bang (Hán Cao Tổ) lập ra từ năm 206 TCN, đô hộ nước ta từ năm 111 TCN đến năm 8. Tổng cộng: 119 năm.
 
• Nhà Tân do Vương Mãng lập ra từ năm 8, đô hộ nước ta từ năm 8 đến năm 25. Tổng cộng: 17 năm.
 
• Nhà Đông Hán (cũng gọi là Hậu Hán) do Lưu Tú (Hán Quang Vũ Đế) lập ra năm 25, đô hộ nước ta từ năm 25 đến năm 220. Tổng cộng: 195 năm.
 
• Nhà Đông Ngô do Tôn Quyền (Ngô Đại Đế) lập ra năm 222 [3], đô hộ nước ta từ năm 220 đến năm 280. [4] Tổng cộng: 60 năm.
 
• Nhà Tấn do Tư Mã Viêm (Tấn Vũ Đế) lập ra năm 265, đô hộ nước ta từ năm 280 đến năm 420. Tổng cộng: 140 năm.
 
• Nam triều gồm 4 triều đại kế tục nhau: Tống, Tề, Lương, Trần nối nhau đô hộ nước ta từ năm 420 đến năm 542. [5] Tổng cộng: 122 năm.
 
• Nhà Tùy do Dương Kiên (Tùy Văn Đế) lập ra năm 581, đô hộ nước ta từ năm 602 đến năm 618. Tổng cộng: 16 năm.
 
• Nhà Đường do Lý Uyên (Đường Cao Tổ) lập ra năm 618, đô hộ nước ta từ năm 618 đến năm 905. Tổng cộng: 287 năm.
 
Như vậy, nếu căn cứ theo những số liệu đã liệt kê ở trên thì thời Bắc thuộc của nước ta do các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ có tổng cộng: 1.024 năm.
 
Tuy vậy, một số nhà sử học đã căn cứ vào lực li tâm chính trị của các chính quyền đô hộ tại nước ta đối với triều đình phong kiến trung ương ở Trung Quốc để cho rằng lịch sử Việt Nam không hề có hơn một ngàn năm Bắc thuộc mà chỉ có chừng hơn năm thế kỷ bị Bắc thuộc mà thôi.
 
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã giải thích thêm về vấn đề này như sau:
 

Lực ly tâm chính trị là một thực tế lịch sử và thực tế đó đã khiến cho chính quyền đô hộ ở nước ta không còn nguyên vẹn là của Trung Quốc nữa, nhưng, đó cũng quyết không phải là chính quyền độc lập và tự chủ của nhân dân ta. Khoảng thời gian lịch sử của thời Bắc thuộc là rất cần được xác định lại, nhưng khoảng thời gian hơn một ngàn năm bị mất nước là điều không ai phủ nhận. [6]


Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nước ta chỉ thực sự giành độc lập từ năm 938 sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền [7] chứ không phải là năm 905 khi Khúc Thừa Dụ thừa dịp Tiết độ sứ Độc Cô Tổn của nhà Đường bị triệu hồi về nước để ông chiếm thủ phủ Đại La của nhà Đường đặt tại nước ta khi đó. Theo luận điểm này, Khúc Thừa Dụ chưa thể là người thực sự chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc mà chỉ đơn thuần là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền từ tay nhà Đường mà thôi; vì đến năm 906, về mặt danh nghĩa Khúc Thừa Dụ vẫn được Đường Ai Đế phong làm Tiết độ sứ khi ông khéo léo buộc triều đình nhà Đường phải công nhận chính quyền của ông.
 
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng nước ta chỉ thực sự có một nền độc lập hoàn chỉnh là từ năm 968 thời Đinh Tiên Hoàng để từ đó lập ra một thời đại gọi là văn minh Đại Việt. [8] 

Bắc thuộc và chống Bắc thuộc

Dòng lịch sử trong thời kỳ đen tối, đầy đau thương và uất hận hơn 1.000 năm của dân tộc ta tựu trung lại là hai dòng phát triển đối nghịch nhau, đó là Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.

Trong hơn 10 thế kỷ dưới ách cai trị, đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta mà tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (thế kỷ I), Bà Triệu (thế kỷ III), Lý Bí, Triệu, Quang Phục (thế kỷ VI), Mai Thúc Loan (đầu thế kỷ VIII), Phùng Hưng (cuối thế kỷ VIII), v.v..

Dù các triều đại phong kiến phương Bắc đã dùng mọi biện pháp để đàn áp và đồng hóa nhân dân ta nhằm biến đất nước ta thành quận huyện của Trung Quốc nhưng các phong tục tập quán của người Việt vẫn được duy trì trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Thậm chí, những người Hán sang định cư ở nước ta trong thời kỳ này lại bị đồng hóa vào lối sống Việt, văn hóa Việt.

Chỉ một sự kiện sau đây cũng đủ chứng tỏ điều ấy:


"Năm 43, Mã Viện sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng đã đưa nhiều người Hán sang định cư thành nhiều cụm thực dân (colons) ở rải rác trong đất Giao Chỉ để làm chỗ dựa cho chính quyền đô hộ và cho việc đồng hóa người Việt. Đó là những người mà sử cũ gọi là dân Mã lưu (dân do Mã Viện lưu lại). Nhưng dân Mã lưu không giúp gì được vào việc đồng hóa người Việt mà trái lại dần dần đồng hóa vào người Việt. dân Mã lưu rút cục chỉ lưu lại cái tên trong sử sách như là chứng tích tiêu biểu cho sự thất bại của Mã Viện, cho sự thất bại của chính sách Hán hóa (sinisation) của quan lại phương Bắc". [9]


Một trong những thành tựu của nhân dân trong thời Bắc thuộc chính là vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa thâu hóa (acculturation) nhiều thành tựu văn hóa của chính kẻ đô hộ, cụ thể là Nho giáo và Đạo giáo, để rồi sau quá trình tiếp biến văn hóa đó, ông cha ta đã sử dụng những hệ thống ý thức tiếp thu được của Trung Quốc như là vũ khí bổ sung vào các cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lý Bí.

Cuộc khởi nghĩa Lý Bí thắng lợi không những thể hiện tinh thần bất khuất của nhân dân ta mà còn thể hiện nhận thức nhuốm ảnh hưởng của hệ ý thức Nho giáo về dân tộc, về quốc gia (tức nhà nước) ở tầm cao hơn, rộng hơn so với các cuộc khởi nghĩa trong các thế kỷ trước. Nhận thức ấy thể hiện ở việc Lý Bí đặt tên nước là Vạn Xuân và xưng là (Lý) Nam Đế thể hiện ý thức sánh ngang với Bắc Đế, tức hoàng đế Trung Hoa. [10]


Bài viết này được sửa đổi và cập nhật gần đây nhất bởi Quang Nguyễn



Chú thích

[1]Viện Ngôn ngữ học. (2003). Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê). Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.

[2], [6]. Nguyễn Khắc Thuần. (2008). Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1, tr.106. NXB Giáo Dục.

[3]. Tôn Quyền bắt đầu làm thủ lĩnh miền Giang Đông từ năm 200 lúc ông được 18 tuổi sau khi huynh trưởng Tôn Sách bị ám sát. Năm 220, khi Tào Phi - con trai của Tào Tháo, soán ngôi nhà Hán, xưng là Ngụy Hoàng Đế, Tôn Quyền ban đầu chủ trương xưng thần với nhà Ngụy và nhận phong là Ngô Vương nhưng năm 222 thì ông ly khai khỏi Ngụy, đổi niên hiệu. Đến năm 229 thì ông chính thức xưng là Hoàng đế.

[4]. Một số nguồn ghi rằng Đông Ngô đô hộ nước ta từ năm 226 căn cứ theo năm mất của Sĩ Nhiếp (137 - 226) - vốn là thái thú thuộc nhà Đông Hán nắm thực quyền cai trị Giao Châu trong 40 năm cho đến lúc mất. Tuy nhiên, chúng tôi ghi mốc nhà Đông Ngô đô hộ nước ta từ năm 220 là căn cứ vào năm nhà Đông Hán mất ngôi, Trung Quốc lúc này bước vào thời kỳ Tam quốc (gồm Tào Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô) và Giao Châu khi đó thuộc về Đông Ngô của Tôn Quyền. Khi nhà Đông Hán mất, Sĩ Nhiếp vẫn tiếp tục triều cống cho Đông Ngô.     

[5]. Căn cứ theo danh sách tên và số năm mà các triều đại phong kiến phương Bắc đã đô hộ nước ta, từ năm 542 đến năm 602 có sự gián đoạn về thời gian đô hộ là do khoảng thời gian 60 năm này, nước ta đã giành được độc lập nhờ công của Lý Bí (tức Lý Nam Đế) với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân. 

[7]. Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận. (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn Học. Tr. 10 - 11.

[8]. Dẫn theo lời GSTSKH Vũ Minh Giang trong bài Người Việt chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc từ thời Ngô Quyền hay Khúc Thừa Dụ của Thiên Điểu trên báo Tuổi Trẻ online đăng ngày 11/3/2023.

[9], [10].  Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận. (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn Học. Tr. 14 - 18.



Thư mục
• Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận. (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn Học. 

• Lê Thành Khôi. (2014). Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX. Hà Nội: NXB Thế Giới.

• Ngô Sĩ Liên (Dịch giả Cao Huy Giu, Hiệu đính Đào Duy Anh). (2009). Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: NXB Văn Học.

• Nguyễn Quang Ngọc. (2007). Tiến trình lịch sử Việt Nam. NXB Giáo Dục.

• Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. (2001). Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1. NXB Giáo Dục. 

• Nguyễn Khắc Thuần. (2008). Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1. NXB Giáo Dục.

• Viện Ngôn ngữ học. (2003). Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê). NXB Đà Nẵng.
 
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời AtaBook một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)