Mã tà là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 03/10/2023

Mã tà là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Mã tà là tên gọi lính cảnh sát hoặc lính đánh thuê người Việt thời Pháp thuộc dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp.


Khu trại của lính mã tà
Khu trại của lính mã tà (Matas). Ảnh: Flickr.com
 
Thật ra, cho đến nay, mã tà (và/ hoặc ma tà) là từ vẫn còn gây tranh luận và chưa có sự thống nhất giữa các nhà chuyên môn khi đưa ra định nghĩa cũng như nguồn gốc xuất xứ của từ này.

Có quan điểm cho rằng mã tà cũng là ma tà dùng để gọi lính cảnh sát thời Pháp thuộc. Lại có quan điểm cho rằng mã tà và ma tà có sự khác nhau: ma tà là phiên âm từ tiếng Mã Lai mata–mata dùng để chỉ cảnh sát người Việt thời Pháp thuộc, còn mã tà dùng để gọi lính tác chiến người Việt trong đạo quân viễn chinh của Pháp ở Nam Kỳ.



Các định nghĩa về mã tà / ma tà

Để bạn đọc rộng đường tham khảo, chúng tôi liệt kê dưới đây một số định nghĩa về mã tà (và/ hoặc ma tà) như sau:

• Mã tà (và/ hoặc ma tà) nghĩa là lính cảnh sát, lính gác:


"Ma tà: lính canh tuần. (Tiếng Malais, kêu theo đã quen)" [1]  
- Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị[2] 
"Ma tà: Lính cảnh sát ở Nam Kỳ, gọi theo tiếng Mã-lai" [3] 
- Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam Tự Điển. [4] 
"Lính mã tà: Chơn xanh mắt ếch, lính Việt Nam dưới quyền San-đầm Pháp [5], dùng canh gác ở các tỉnh Nam Việt. Cảnh sát ở các đô thị"
Lê Văn ĐứcViệt Nam Tự Điển. [6]
 
"Mã tà: (nói tắt mata-mata Malaysia). Lính gác đường thời Pháp thuộc. Toán mã tà đi tuần"
 Lê Ngọc Trụ, Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam. [7]
"Mã tà: (cũng nói ma tà). Cảnh sát thời thực dân Pháp. Lính mã tà"
Viện Ngôn Ngữ Học (Hoàng Phê chủ biên), Từ Điển Tiếng Việt. [8]
"Mã tà: phiên âm theo tiếng Ma-lai-xi-a: mata: lính cảnh sát"
Ngữ Văn 11, Chú thích Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. [9]

• Mã tà (và/ hoặc ma tà) nghĩa là lính Tây (lính mũi lõ), lính Mã Lai:

 
"Mã tà: Chỉ chung bọn lính Tây ô hợp, da đen, thời thực dân Pháp"
Huỳnh Công TínTừ Điển Từ Ngữ Nam Bộ[10]
"Mã tà: lính đánh thuê, người Mã Lai, trong hàng ngũ quân đội Pháp" 
- Bảo Định Giang, Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. [11]

Ngoài ra, có ý kiến khẳng định Mã Tà hay Ma Tà là từ dùng để chỉ Bạch Quỷ 白鬼 trong tiếng Mân Nam (Trung Quốc). Cụ thể, người Mân Nam dùng chữ Tà Ma 衺魔 hoặc Ma Tà 魔衺 để gọi ác quỷ mà Phật giáo gọi là Mara, ký âm thành Ma la 魔羅. Căn cứ theo đó, ý kiến này cho rằng chữ mã tà mà Nguyễn Đình Chiểu dùng trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là để chỉ bọn lính mũi lõ. [12]



Mã tà là ai?

Theo thiển ý của chúng tôi, mã tà hay ma tà là từ dùng để gọi lính bản xứ người Việt thời Pháp thuộc được huấn luyện và chỉ huy bởi người Pháp để phân biệt với lính của nhà Nguyễn thời bấy giờ dưới quyền chỉ huy của triều đình Huế. Lực lượng lính bản xứ này mặc dù đóng các vai trò khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử và tùy theo mục đích sử dụng của người Pháp (như lính đánh thuê, lính cảnh sát, lính bảo an, lính canh gác nhà tù, dân quân, v.v.) nhưng vẫn được "gom chung" bằng tên gọi mã tà hoặc ma tà.

Mã tà là lính bản xứ đánh thuê


Ngày 17 tháng 2 năm 1859 - thời điểm liên quân Pháp-Tây Ban Nha với hơn 2.000 quân gồm 1.000 lính pháp, 550 lính Tây Ban Nha (tức Y Pha Nho - Español), 450 lính Philippines (tức Ma ní - Manila) [13] do Đô đốc Hải quân Charles Rigault de Genouilly chỉ huy đánh chiếm thành Gia Định, mặc dù chưa ghi nhận sự xuất hiện lính đánh thuê người bản xứ nhưng đã có một số thừa sai và nhiều giáo dân phản quốc người Việt tham gia liên quân này. [14]

 
Ngày 10 tháng 4 năm 1860, theo ghi chép của đại tá Henri de Ponchalon trong cuốn Indo-Chine - Souvenirs de voyage et de campagne 1858-1860 thì một đại đội lính bản xứ đã được thành lập dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp để bổ sung cho lực lượng đồn trú của Pháp ở Sài Gòn. Nguyên văn tiếng Pháp: "Une compagnie indigène est également constituée avec des cadres français". [15] 
 
Đến trận đánh chiếm đại đồn Chí Hòa ở Sài Gòn vào tháng 2 năm 1861, trong số hơn 5.000 quân [16] do Đô đốc Léonard Charner chỉ huy cũng ghi nhận sự xuất hiện của mấy đội lính mộ An Nam. [17]

Theo chúng tôi, đại đội lính bản xứ ("compagnie indigène") hay "mấy đội lính mộ An Nam" này chính là mã tà mà Nguyễn Đình Chiểu đã nói tới trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ở các đoạn:

 
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã-tà, ma-ní hồn kinh (...); Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt,  gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ. Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.

Lúc này, mã tà chính là lính đánh thuê người Việt, cùng với ma ní vốn là lính đánh thuê người Philippines, chứ chẳng có lính đánh thuê người Mã Lai nào ở đây cả! Những câu văn của Nguyễn Đình Chiểu như nhắc nhở, phê phán, lên án những ai chạy theo Tây ("quân tả đạo") mà quên đi tổ tiên của mình ("quăng vùa hương, xô bàn độc" - tức lư hương và bàn thờ) để sống cảnh “chia rượu lạt, gặm bánh mì”.
 
Ca dao Nam Bộ ngày trước có câu:

Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy quan ba
Bỏ lính mã tà bữa đói bữa no
.

Thiết nghĩ, lính mã tà mà bữa đói bữa no, lại gọi người yêu là bậu theo đúng phương ngữ của Nam Bộ thời bấy giờ thì chắc chắn là người Việt chứ không phải là bọn bạch quỷ hay bọn lính mũi lõ rồi! 

 

Mã tà là lính cảnh sát bản xứ


Mã tà được gọi là lính cảnh sát bắt đầu từ sau khi Đô đốc Léonard Charner chiếm được đại đồn Chí Hòa do tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Tri Phương trấn giữ vào tháng 2 năm 1861 và tái lập chính quyền thực dân tại Nam Kỳ.

Ban đầu, Léonard Charner bổ nhiệm một số sĩ quan Pháp chức vụ giám đốc bản xứ vụ (directeur des affaires indigènes) thay thế cho các nhà nho và viên chức hành chính cũ. Sau khi Đề đốc Bonard, người được cử đến Nam kỳ để thay thế vị trí của Charner từ cuối 11 năm 1861 thì Bonard đã thay thế các giám đốc bản xứ vụ dưới thời Charner, chỉ dùng số ít sĩ quan Pháp giám sát các viên quan bản xứ (quan phủ, quan huyện) và đặt tên mới là thanh tra bản xứ vụ (inspecteur des affaires indigènes). 

Các Giám đốc bản xứ vụ hay Thanh tra bản xứ vụ này đã tuyển mộ, chỉ huy và điều động lực lượng lính cảnh sát bản xứ [18] làm công việc giữ gìn trật tự trị an, gác tù, v.v. tại 
địa phương để đội quân viễn chinh của Pháp (trong đó có gồm cả lính đánh thuê bản xứ) tập trung vào các chiến dịch quân sự.

Một số sách do người Pháp viết đều sử dụng chữ mata để chỉ lính cảnh sát bản xứ trong giai đoạn này; chẳng hạn, Eugène Bonhoure trong cuốn L'Indo-Chine đã dùng chữ mata (Nguyên văn: les matas) để giải thích cho cụm từ "des forces de police", tức lực lượng cảnh sát [19];  còn sử gia Prosper Cultru trong cuốn Histoire de la Cochinchine française: des origines à 1883 cũng dùng chữ mata (Nguyên văn: corps de police des matas) để chỉ lực lượng cảnh sát người bản xứ. [20] 

Theo L. de Coincy trong cuốn Quelques mots sur la Cochinchine en 1866số lượng người bản xứ tham gia lực lượng mata cho Pháp  là 1.800 người. [21]

Ngày 7 tháng 6 năm 1880, Thống đốc dân sự đầu tiên của Nam Kỳ là Charles Le Myre de Vilers đã ban hành Nghị định đổi tên lực lượng mata thành garde civile [22]. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải danh trong tiếng Pháp mà thôi, còn dân Nam Kỳ thì vẫn quen gọi loại lính này cái tên mã tà / ma tà.


Nguồn gốc của chữ Mã tà?


Có khá nhiều ý kiến đã được đưa ra để giải thích từ nguyên của mã tà. Theo đó, mã tà (và/ hoặc ma tà) có nguồn gốc từ:

- Tiếng Mã Lai mata-mata là từ để gọi lính cảnh sát ở Malaysia. [23]

- Từ Hán Việt mã tiếu 馬哨 đọc trệch ra, có nghĩa là lính dọ thám, lính đi dò xét. [24]


- Từ tiếng Pháp maton có nghĩa là lính canh tù, người gác trại giam. [25], [26]

- Từ matraque hoặc matraqueur trong tiếng Pháp có nghĩa là dùi cui. [27], [28]


Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng các lý giải trên chưa có cái nào mang tính thuyết phục cả. Cá nhân chúng tôi hiện vẫn chưa truy nguyên được nguồn gốc chính xác của từ này nhưng có thể khẳng định rằng mã tà hay ma tà chỉ là một từ chứ không có sự phân biệt giữa mã tà ma tà; đồng thời, đây là từ dùng để gọi lính bản xứ người Việt thời Pháp thuộc đóng các vai trò khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử và tùy theo mục đích sử dụng của người Pháp, như lính đánh thuê, lính cảnh sát, lính bảo an, lính canh gác nhà tù, dân quân, v.v..

Hi vọng rằng sẽ có bậc cao nhân nào đó có luận giải thuyết phục hơn về từ nguyên của từ mã tà / ma tà chăng? 

Chú thích

[1], [3]. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị và Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ mã tà, chỉ ghi nhận từ ma tà.

[2]. Huình Tịnh Paulus Của. (1896). Đại Nam Quấc âm tự vị, tome 2. Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Tr. 615.

[4]. Hội Khai trí Tiến Đức. (1954). Việt Nam tự điển. NXB Văn mới. Tr. 329.

[5] Lính san-đầm hay sen-đầm là lính Pháp xưa thường làm cỏ hoặc trấn đồn bảo an ở tỉnh, chỉ huy lính mã tà (gendarme). [Dẫn theo: Lê Văn Đức, Lê Ngọc trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. tr. 806.]

[6]. Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr. 806.

[7]. Lê Ngọc Trụ. (1993). Tầm nguyên tự điển Việt Nam. NXB TP. Hồ Chí Minh. Tr. 623.

[8]. Viện Ngôn Ngữ Học (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr. 605.

[9]. Ngữ văn 11. (2010). Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Hà Nội: NXB Giáo Dục. Tr. 62.

[10]. Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học Xã Hội. Tr. 790.


[11]. Bảo Định Giang. (1977). Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. NXB Văn Học. Tr. 43.

[12]. Chúng tôi không bàn về ý kiến này nhưng thấy khá buồn cười về thái độ khệnh khạng trong học thuật của “vị” đưa ra luận điểm trên. Đối với các vấn đề trong học thuật, một khi vẫn còn tranh luận thì bất kỳ giải thích nào mang quan điểm cá nhân cũng chỉ dừng lại ở giả thuyết mà thôi, chứ không thể khăng khăng khẳng định mình đúng còn những người khác đưa ra ý kiến mà thấy không “thuận tai” thì lại cho là “lũ me tây”, là “nô lệ tự nguyện” cả. 

[13]. Nguyễn Minh Hòa. (2016). Khúc bi tráng trận chiến thành Gia Định 17-2. Báo Điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Đăng ngày 16/02/2016.

[14]. Nguyễn Quang Hưng. (2009). Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn (1802-1883). Hà Nội: NXB Tôn Giáo. Tr. 286.

[15]. Henri de Ponchalon. (1896). Indo-Chine - Souvenirs de voyage et de campagne 1858-1860. Tours, Pháp: Alfred Mame et Fils. Tr. 252.

[16]. Gồm 1 binh đoàn thủy quân lục chiến 3.500 quân, 12 đại đội thủy thủ, 1,5 đại đội pháo thủ, nhiều tàu công binh và cả kỵ binh, một số lính Phi châu, 600 phu Quảng Đông. [Dẫn theo: Vũ Huy Phúc. (2003). Lịch sử Việt Nam 1858-1896. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. Tr. 71]. Có tài liệu khác ghi là 8,000 quân.

[17]. Trần Trọng Kim. (1928). Việt Nam sử lược (Histoire de Việt Nam), quyển Hạ. Hà Nội: Imprimerie Vĩnh & Thành. Tr. 230.

[18]. Khái niệm về cảnh sát thời kỳ này không “hoành tráng” và đa chức năng gồm cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, v.v... như cách hiểu hiện nay về cảnh sát.

[19]. Eugène Bonhoure. (1900). L'Indo - Chine. Paris, Pháp: Augustin Challamel. Tr. 136.

[20]. Prosper Cultru. (1910).  Histoire de la Cochinchine française: des origines à 1883. Paris, Pháp: Augustin Challamel, Librairie Maritime et Coloniale. Tr. 187. 

[21]. L. de Coincy. (1866). Quelques mots sur la Cochinchine en 1866. Paris, Pháp: Challamel Ainé. Tr. 52 - 53.

[22]. Prosper Cultru. (1910). Histoire de la Cochinchine française: des origines à 1883.  Paris, Pháp: Augustin Challamel, Librairie Maritime et Coloniale. Tr. 347.

[23]. Vương Hồng Sển. (2004). Sài Gòn năm xưa. NXB Tổng hợp Đồng Nai. Tr. 224.

[24], [25]
Nguyễn Dư. (2007). Bòng bong che nắng, mã-tà tiên phong. Chimviet.free.fr. Truy cập ngày 8-8-2023.

[26]. Vương Đình Quang. (1965). Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng. Hà Nội: NXB Văn Học. Tr. 102.

[27]. Đặng Thai Mai. (2004). Đặng Thai Mai toàn tập, tập II. Hà Nội: NXB Văn Học. Tr. 636.

[28]. Nguyễn Kim Thản. (2005). Từ điển tiếng Việt, tái bản. NXB Văn Hóa Sài Gòn. Tr. 1010.


 
Thư mục

• Eugène Bonhoure. (1900). L'Indo - Chine. Paris, Pháp: Augustin Challamel.

• L. de Coincy. (1866). Quelques mots sur la Cochinchine en 1866. Paris, Pháp: Challamel Ainé.

• Huình Tịnh Paulus Của. (1896). Đại Nam Quấc âm tự vị, tome 2. Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie.

• Prosper Cultru. (1910).  Histoire de la Cochinchine française: des origines à 1883. Paris, Pháp: Augustin Challamel, Librairie Maritime et Coloniale.

• Nguyễn Dư. (2007). Bòng bong che nắng, mã-tà tiên phongChimviet.free.fr. Truy cập ngày 8-8-2023.

• Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (hiệu đính). (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí.

• Bảo Định Giang. (1977). Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. NXB Văn Học.

• Hội Khai trí Tiến Đức. (1954). Việt Nam tự điển. NXB Văn mới.

• Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Ngọc Hà (2021). Vùng đất Nam Bộ (tập V) từ năm 1859 đến năm 1945. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Sự Thật.

• Nguyễn Quang Hưng. (2009). Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn (1802-1883). Hà Nội: NXB Tôn Giáo.

• Trần Trọng Kim. (1928). Việt Nam sử lược (Histoire de Việt Nam), quyển Hạ. Hà Nội: Imprimerie Vĩnh & Thành.

• Đặng Thai Mai. (2004). Đặng Thai Mai toàn tập, tập II. Hà Nội: NXB Văn Học.  

• Henri de Ponchalon. (1896). Indo-Chine - Souvenirs de voyage et de campagne 1858-1860. Tours, Pháp: Alfred Mame et Fils.

• Vương Đình Quang. (1965). Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng. Hà Nội: NXB Văn Học.


• Vương Hồng Sển. (2004). Sài Gòn năm xưa. NXB Tổng hợp Đồng Nai.

• Nguyễn Kim Thản. (2005). Từ điển tiếng Việt, tái bản. NXB Văn Hóa Sài Gòn.

• Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học Xã Hội.

• Lê Ngọc Trụ. (1993). Tầm nguyên tự điển Việt Nam. NXB TP. Hồ Chí Minh.

• Nguyễn Đình Tư. (2016). Chế độ thực dân trên đất Nam Kỳ (1859-1954). NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

• Viện Ngôn Ngữ Học (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.

 

Sách hay viết về An Nam


Tâm lý dân tộc An NamTâm lý dân tộc An Nam
NXB Hội Nhà Văn, 2019
Mua sách

Hội kín xứ An NamHội kín xứ An Nam
NXB Hội Nhà Văn, 2019
Mua sách

Đế quốc An Nam và người dân An NamĐế quốc An Nam và người dân An Nam
NXB Đà Nẵng, 2020
Mua sách  


An Nam truyệnAn Nam truyện
Tải sách  
Mua sách  



Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)