Hà Nội nghĩa là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 29/09/2023

Hà Nội có nghĩa là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn 

Hà Nội thường được giải thích là vùng đất trong sông (Hà = sông; Nội = trong). Tuy nhiên, tên gọi Hà Nội có thể là một địa danh mượn từ bên Trung Quốc.


Thủ đô Hà Nội với lịch sử hơn nghìn năm văn hiến luôn là niềm tự hào của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà văn hóa, các sử gia, ... vẫn có những quan điểm khác nhau về tên gọi Hà Nội. Hãy cùng AtaBook tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này trong bài viết dưới đây nhé. 
 

Nội dung chính

 

Khuê Văn Các
Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội. Ảnh: internet

 

Tên gọi Hà Nội có từ năm nào?


Thăng Long - Hà Nội là một trong những thủ đô lâu đời nhất ở vùng Đông Nam Á và là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về vùng đất này và đặt tên là Thăng LongTrước đó, nơi đây vốn là vùng đất đặt cơ sở trấn trị của nhà Tùy (581 - 618), nhà Đường (618 - 907) thời Bắc thuộc với các tên gọi Tống Bình, Đại La. 

Trải qua gần 800 năm (1010 - 1788) là kinh đô của nước Đại Việt thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê trung hưng với các tên gọi chính thức lần lượt là Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh; đến thời Tây Sơn rồi sau đó là thời Nguyễn, Thăng Long đã nhường vai trò đầu não chính trị cho Phú Xuân (Huế), trở thành Bắc Thành rồi Thăng Long (đồng âm với tên gọi Thăng Long do Lý Thái Tổ đặt trước đó nhưng mang ý nghĩa khác). [1] 


Năm 1831 đời Minh Mạng thứ 12, vị vua nhà Nguyễn này đã tiến hành đợt cải cách hành chính lớn, chia toàn quốc thành 29 tỉnh - trong đó có tỉnh Hà Nội. Thăng Long lúc này trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nội.


Như vậy, tên gọi Hà Nội bắt đầu có từ năm 1831.



Hà Nội lúc mới thành lập có bao nhiêu phủ, huyện?


Theo Đại Nam thực lục, tỉnh Hà Nội lúc mới thành lập vào năm 1831 có 4 phủ với 15 huyện, gồm: 

 

• Phủ Hoài Đức gồm huyện Từ Liêm và 2 huyện thuộc kinh thành Thăng Long cũ là Thọ Xương, Vĩnh Thuận (ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa của thành phố Hà Nội ngày nay);  

• Phủ Thường Tín gồm 3 huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín), Thanh Trì, Phú Xuyên; 

• Phủ Ứng Hoà gồm 4 huyện Sơn Minh (nay là Ứng Hoà), Hoài An (nay là phía nam Ứng Hoà và một phần Mỹ Đức), Chương Đức (nay là Chương Mỹ), Thanh Oai; 

• Phủ Lý Nhân gồm 5 huyện: Nam Xang (tức Nam Xương, nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục. [2]



Vì sao nhà Nguyễn không giữ tên gọi Thăng Long trước kia? 


Về xuất xứ tên gọi Thăng Long, Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại như sau: 

 

"Mùa thu, tháng 7 [năm 1010], vua [Lý Thái Tổ] dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long"[3] 


Cái tên Thăng Long mà vua Lý Thái Tổ đặt vào năm 1010 bắt nguồn từ chữ Hán 昇龍 có nghĩa là "rồng bay lên", "rồng (bay) trong ánh mặt trời lên cao". [4] Tuy nhiên, gần 800 năm sau, vào tháng 8 năm 1805, vua Gia Long nhà Nguyễn đã cho đổi chữ Long 龍 (= "rồng") thành chữ Long 隆 (= "thịnh vượng") [5] khiến cái tên Thăng Long 昇龍 với hình tượng "rồng bay lên" thành cái tên Thăng Long 昇隆 có nghĩa là "thịnh vượng lên".


Cuốn Lịch sử thủ đô Hà Nội (1960) đã lý giải về sự việc này như sau:

 

"Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô tại nơi cũ là Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyển làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ “Long” là “rồng” thành chữ “Long” là “thịnh vượng”, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ  “Long” là “rồng. [6] 


Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu An Chi cũng cho rằng "bấy giờ nhà Nguyễn đã thiết lập kinh đô mới ở Phú Xuân nên muốn tên của thành Thăng Long không còn gợi cho người ta liên tưởng gì đến vương quyền nữa. Vương quyền là ở Phú Xuân kia!" [7]. Đồng thời, ông An Chi cũng gay gắt cho rằng cách hành xử như vậy của vua Gia Long là bất kính đối với sự nghiệp của tiền nhân.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lý do năm 1805 Gia Long đổi chữ Long trong Thăng Long là để phù hợp với niên hiệu mà vị vua này đã đặt ra từ 3 năm trước đó (năm 1802). Theo đó, vị vua sáng lập triều Nguyễn này muốn là "người đầu tiên thống nhất nước Việt, khởi đi từ Gia Định thành tới Thăng Long thành, nên mới cố tình lấy chữ đầu của Gia Định ghép với chữ cuối của Thăng Long để thành hai chữ Gia Long làm niên hiệu". [8] Luận cứ của ý kiến này là chữ Gia 嘉 trong Gia Long 嘉隆 đã có cùng một cách viết và cùng một ý nghĩa với Gia trong Gia Định 嘉定 rồi, nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần; còn điều kiện đủ là chữ Long 龍 trong Thăng Long 昇龍 phải là Long 隆 trong niên hiệu Gia Long 嘉隆 của ông (!?)

Cũng trong năm 1805, ngoài việc sửa tên gọi Thăng Long, vua Gia Long còn cho phá bỏ tường thành ở đây để xây lại thành mới theo kiểu Vauban (một kiểu thành quân sự đương thời của phương Tâynhưng có quy mô nhỏ hơn nhiều. Quyết định này của ông cũng gây ra những ý kiến trái chiều cho các nhà nghiên cứu sau này.

Có ý kiến cho rằng lý do vua Gia Long "triệt phá" thành Thăng Long là nhằm mục đích "hạ thấp vai trò kinh đô cũ, để làm mất tư cách “quốc đô” lâu đời của Thăng Long". [9]  

Nhưng lại có ý kiến phản bác rằng vào thời điểm Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn và thu phục thành Thăng Long thì thành đã chẳng còn gì nữa. Vì vậy, đến năm 1805, vua mới tiến hành tu bổ thành (chứ không phải là triệt phá). [10] Nói như Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) trong cuốn Phương Đình dư địa chí  thì lý do vua Gia Long cho xây lại thành Thăng Long là vì "thấy thành cũ không đúng khuôn phép, đắp lại (xét thành Thăng Long vốn là đô cũ của các triều, lâu năm nghiêng núng...)" [11]    


 

Hà Nội có nghĩa là gì? Ý nghĩa tên gọi Hà Nội? 


Tên gọi Hà Nội lâu nay vẫn có những tranh cãi nhất định trong giới nghiên cứu văn hóa – lịch sử. Tựu trung có hai ý kiến lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Hà Nội như sau: 

1. Hà Nội có nghĩa là vùng đất trong sông (Hà = sông, Nội = trong) 


Những người theo quan điểm này lý giải rằng Hà Nội thuộc về địa dư ở phía bên trong sông Hồng Hà [12] hoặc Hà Nội trên đại thể nằm trong những con sông, đó là sông Hồng và sông Nhuệ như nhà sử học Lê Văn Lan giải thích trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia ngày 15/4/1999. [13] 

Ngoài ra, nhà sử học Phan Huy Lê còn lấy bản đồ thời Hồng Đức (1490) làm bằng chứng cho thấy Hà Nội nằm lọt vào góc bên trong của sông Hồng (sông Cái) nằm phía bắc và đông Hà Nội để khẳng định rằng "Hà Nội cổ của chúng ta đúng như tên gọi là "thành phố bên trong sông". [14]  


Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản bác các giả thuyết trên. Chúng tôi tóm lược vài ý kiến dưới đây để Quý vị rộng đường tham khảo.
 

• Hà Nội là một cái tên, không thể tách rời từng chữ rồi giải nghĩa là "trong sông" được vì đó là một từ rất tối nghĩa trong tiếng Việt, nghe rất lạ tai và vụng về. Thông thường người Việt chỉ nói trong nhà, trong vườn, trong thành, v.v., chứ chẳng ai lại nói trong sông cả. Nếu nói đến sông thì người Việt thường chỉ nhắc đến hữu ngạn hay tả ngạn, hoặc bên này sông, bên kia sông mà thôi. Còn một vùng đất nằm ở giữa hai con sông, chẳng ai lại gọi vùng đất ấy là “trong sông”! Huống hồ vua Minh Mạng vốn là một vị vua thông minh và hay chữ vào hàng bậc nhất của nhà Nguyễn mà nhìn một thành phố nằm giữa hai con sông lại dùng chữ “nội” thì thật là khó tin! 

Trường hợp một vùng lãnh thổ được chia làm hai, nếu người ta đã dùng chữ Nội rồi thì sẽ dùng thêm chữ Ngoại để dễ phân biệt, chẳng hạn như Nội Mông, Ngoại Mông của Trung Quốc; hay ở Việt Nam khi nói đến xứ Thanh, chúng ta cũng nhắc đến Thanh nội hay Thanh ngoại. [15] Nghĩa là nếu cứ theo cách đặt tên như thế thì hễ có Hà Nội tất phải có Hà Ngoại mới hợp lý.

- Nguyễn Ngọc Ngạn - nhà văn, người dẫn chương trình. [16]

 

• Nếu xét kỹ trên bản đồ thì chỉ có sông Nhị là địa giới tỉnh Hà Nội cũ về phía Đông, còn sông Hát và Thanh Quyết không là địa giới, như vậy có bộ phận Tỉnh Hà Nội không nằm bên trong những con sông này. Và khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, tên gọi lại càng không tương xứng với thực địa.

- Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1 (2007). [17]

 

• Trước khi nước Đại Nam bị thực dân Pháp xâm lược và cai trị thì Hà Nội chưa bao giờ là một kinh thành hay thành phố nào cả. Cái tên Hà Nội mà Minh Mạng đặt năm 1831 là tên của một tỉnh gồm 4 phủ, 15 huyện; và Thăng Long chỉ là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nội khi đó mà thôi. Như vậy, trước năm 1831 ở nước ta làm gì đã có kinh thành Hà Nội hay địa danh Hà Nội đâu mà GS. Phan Huy Lê sử dụng bản đồ từ thời Hồng Đức năm 1490 để khẳng định là "thành phố bên trong sông"? [18] 

Mặt khác, địa dư của tỉnh Hà Nội khi đó có phủ Lý Nhân nằm trong một phần lưu vực của sông Đáy còn sông Nhuệ lại nằm lọt trong lưu vực của sông Đáy và sông Hồng thì làm sao có thể nói Hà Nội nằm bên trong sông Hồng và sông Nhuệ được như GS. Lê Văn Lan đã giải thích? [19]  

- Học giả An Chi.


2. Hà Nội là một địa danh lấy từ bên Trung Quốc


Trong  Hà Nội Nghìn Xưa, đồng tác giả Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán gián tiếp khẳng định Hà Nội vốn được lấy từ khối địa danh sẵn có ở phương Bắc (tức Trung Quốc). Cụ thể, hai ông cho rằng Thăng Long là tên gọi lần đầu tiên "tuy viết bằng chữ Hán mà lại rất Việt Nam. Độc đáo và sáng tạo, vì không có lấy chữ sẵn trong sách và trong khối địa danh sẵn có ở phương Bắc như người ta vẫn thường làm trước đó và cả sau đó nữa (như trường hợp tên "Hà Nội") [20] 

Cuốn Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long (tập 1, 2007) khẳng định "tên gọi Hà Nội được mượn từ phương Bắc" với luận điểm như sau (chúng tôi đăng nguyên văn):
 
"Trung văn đại từ điển, tập 19 (Đài Bắc 1967, tr.103) cho biết Hà Nội là tên một quận được đặt từ đời Hán (202 Tr.CN - 220 S.CN) nằm phía Bắc Sông Hoàng Hà.

Tên Hà Nội từng được ghi trong Sử ký của Tư Mã Thiên (Hạng Vũ Kỷ), kèm lời chú giải: “Kinh đô đế vương thời xưa phần lớn ở phía Đông Sông Hoàng Hà, cho nên gọi phía Bắc Sông Hoàng Hà là Hà Ngoại”.

Rất có thể Minh Mạng đã chọn tên gọi Hà Nội, một tên hết sức bình thường để thay tên gọi Thăng Long đầy gợi cảm, nhưng tên gọi mới Hà Nội này lại có thể được giải thích là “đất Kinh đô các đế vương thời xưa”, để đối phó với những điều dị nghị.

Chính cách đặt tên đất “dựa theo sách cũ” đã lại được thực thi, sau này, năm 1888 Thành Hà Nội và phụ cận trở thành nhượng địa của thực dân Pháp, tỉnh lỵ Hà Nội phải chuyển tới Làng Cầu Đơ (thuộc Huyện Thanh Oai, Phủ Hoài Đức), cần có một tên tỉnh mới. Người ta đã dựa vào một câu trong sách Mạnh Tử [21] (Lương Huệ Vương, thượng, 3) “Hà Nội mất mùa, thì đưa dân đó về Hà Đông, đưa thóc đất này về Hà Nội, Hà Đông mất mùa cũng theo phép đó”. [22] Dựa theo câu trên, người ta đặt tên tỉnh mới là Hà Đông, tuy rằng tỉnh này nằm ở phía Tây Sông Nhị, theo thực địa phải đặt tên là Hà Tây mới đúng". [23]


[Đọc thêm] Tại sao Thăng Long từng được gọi là Kẻ Chợ?

Kẻ Chợ là cái tên dân gian để gọi Thăng Long trước kia. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, Kẻ là từ cũ, thường dùng trước một địa danh, chỉ đơn vị dân cư, thường là nơi có chợ búa. [24] 
Xưa kia, ông cha ta phân biệt rất rõ thành thị ( tức thành lũy + chợ búa) và thôn quê. Từ đó mới có từ kẻ quê để gọi thôn quê nói chung và kẻ chợ để gọi thành thị nói chung. [25] Nguồn gốc tên gọi dân gian Kẻ Chợ của Thăng long vốn xuất phát từ cái nghĩa đen là nơi quanh năm chợ búa buôn bán mà thôi. [26]  

Lý do Thăng Long được độc chiếm cái tên gọi kẻ chợ (mà sau này biến thành danh từ riêng Kẻ Chợ) là bởi Thăng Long xưa kia là thành thị lớn nhất, là nơi có chợ búa lớn nhất với 36 (phố) phường. Con số 36 (phố) phường lần đầu được nhắc đến là trong cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi. [27]  Sau này, đến năm 1943, nhà văn Thạch Lam cũng có một cuốn sách nổi tiếng là Hà Nội băm sáu phố phường, mặc dù từ thời Lê trở về sau, nội thành Thăng Long đã mở rộng và thực tế đến nay vẫn còn khoảng 50 con phố bắt đầu bằng chữ "Hàng" - dấu vết còn lại của "(phố) phường" xưa kia. [28] 

Trong cuốn Dictionarium Annamiticum - Lusitanum - Latinum (Từ điển Việt - Bồ - La) in tại Roma năm 1651, Alexandre De Rhodes giải thích Kẻ Chợ là “kinh đô xứ Đông Kinh”, “những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh” nhằm phân biệt với người ở Kẻ quêKẻ mùa[29] 

Người có công đưa danh từ Kẻ Chợ để chỉ Thăng Long vào tư liệu văn bản là João de Barros - một nhà sử học người Bồ Đào Nha, trong bộ sách gồm 4 tập nổi tiếng của ông là Da Ásia  (về châu Á) xuất bản từ năm 1552. Barros đã sử dụng từ "Cacho" (tức: chính là "Kẻ Chợ") để nói về kinh đô nước Đại Việt. [30] Từ đấy, tên gọi Kẻ Chợ rất phổ biến trong các ghi chép, du ký của người phương Tây với các biến âm như Kacho, Cachu, Ketchiu, v.v..
 

Chú thích

[1]. Ngoài các tên gọi chính thức được liệt kê ở trên, Hà Nội còn có các tên gọi khác như Tràng An, Long Biên, Long Thành, Hà Thành, Kẻ Chợ, v.v..

[2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục, tập 3,Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển LXXVI (76), Thực lục về Thánh tổ nhân hoàng đế. NXB Giáo Dục. Tr. 229.

[3]. Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Hậu Lê, dịch giả Cao Huy Giu, hiệu đính Đào Duy Anh. (2009). Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Văn Học.  Tr. 160.

[4]. Thăng Long 昇龍 còn có nghĩa là “rồng (bay) trong ánh mặt trời lên cao” do có chữ Nhật 日 đặt lên trên chữ Thăng 昇 mang ý nghĩa là "mặt trời lên cao" và cũng có nghĩa là “đi lên cao”.

[5]. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục, tập 1, Chính biên, Đệ nhất kỷ, quyển XXVII (27), Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế. NXB Giáo Dục. Tr. 640. 

[6]. Trần Huy Liệu (chủ biên). (1960). Lịch sử thủ đô Hà Nội. Hà Nội: NXB Sử Học. Tr. 81.

[7]. An Chi. (2010). Nghĩa của hai địa danh Thăng Long và Hà Nội. Chuyên đề An ninh thế giới số 996, đăng trên Báo Công an nhân dân online ngày 26/9/2010. Truy cập ngày 10/8/2023.  

[8]. Võ Hương An. (2017). Thăng Long và Gia LongNghiencuulichsu.com. Đăng ngày 13/2/2017. Truy cập ngày 12/8/2023.

[9]. Đinh Xuân Lâm. (2000). Dấu ấn Thăng Long Hà Nội (những năm đầu đến giữa thế kỷ XIX). Tạp chí Xưa và Nay, số 80B, tháng 10 năm 2000, tr. 10.  

[10]. Tôn Thất Thọ. (2023). Về sự kiện nhà Nguyễn "triệt phá" thành Thăng Long. Nghiencuulichsu.com. Đăng ngày 9/5/2023. Truy cập ngày 10/8/2023.

[11]. Nguyễn Văn Siêu. (2001). Phương Đình dư địa chí. NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 364, 365.

[12]. Nguyễn Quang Lục. (1953). Hà Nội - Những kinh thành có trước Hà Nội: thành Cổ Loa, thành Liên Lâu, thành Long Biên, quyển nhất. Sài Gòn: NXB Gió Việt. tr. 64. 

[13]. Trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia phát ngày 15 tháng 4 năm 1999, khi giải thích câu hỏi địa danh Hà Nội ra đời năm nào thì nhà sử học Lê Văn Lan có bổ sung thêm rằng trong địa danh Hà Nội thì Hà là sông, còn Nội là trong; và sở dĩ có tên như thế là vì Hà Nội nằm trong những con sông, đó là sông Hồng và sông Nhuệ. 

[14]. Tác giả Hải Phong trên báo Lao Động số ra ngày 20/7/2010 tường thuật lại ý kiến của nhà sử học Phan Huy Lê về ý nghĩa địa danh Hà Nội như sau:

"Hà Nội cổ của chúng ta đúng như tên gọi là "thành phố bên trong sông". Theo bản đồ thời Hồng Đức (1490) mà ta có được, phía bắc và đông Hà Nội là sông Hồng (sông Cái), Hà Nội nằm lọt vào góc bên trong của nó. Phía bắc của Hà Nội là sông Tô Lịch, gần hồ Tây. Phía tây cũng là sông Tô Lịch (ngày xưa dòng Tô Lịch còn nối liền với dòng sông rất lớn là sông Thiên Phù, giờ đã bị lấp mất). Hồ Tây được hình thành từ một đoạn của sông Hồng sau khi nó đổi dòng. Hồ Hoàn Kiếm cho đến thế kỷ XV còn nối liền với sông Hồng, sau này mới tách ra, dần thành hồ như hiện nay. Sông Tô Lịch ở phía tây nam thành phố nối với sông Nhuệ, sau đó đổ ra sông Hồng" . 


[15]. Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân viết: “Cai Xanh là một tay chơi nổi tiếng ở mấy vùng Thanh nội và Thanh ngoại”.  

[16]. Nguyễn Ngọc Ngạn. Truy nguồn gốc tên Hà Nội. Culturemagazin.com. 

[17]. Đặng Vũ Khiêu và nhiều tác giả khác. (2007). Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, Thời báo kinh tế Việt Nam. Tr. 37.  

[18]. An Chi. (2010). Nghĩa của hai địa danh Thăng Long và Hà Nội. Chuyên đề An ninh thế giới số 996, đăng trên Báo Công an nhân dân online ngày 26/9/2010. Truy cập ngày 10/8/2023.

[19]. An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 4. NXB Trẻ. Tr. 19.   

[20]. Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán. (2004). Hà Nội nghìn xưa. Hà Nội: NXB Quân Đội Nhân Dân. Tr. 152.

[21]Mạnh Tử (372 Tr.CN - 289 Tr.CN) tên là Mạnh Kha, tự Tử Dư. Ông được coi là đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời Chiến Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử. Mạnh Tử đã phát triển thêm tư tưởng của Khổng Tử với chủ trương dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, ông cũng là người đưa ra thuyết tính thiện của con người rằng con người sinh ra đã là thiện rồi nhân chi sơ tính bản thiện, tư tưởng này đối lập với thuyết tính ác của Tuân Tử rằng nhân chi sơ bản tính ác. Học thuyết của ông gói gọi trong các chữ "Nghĩa", "Trí", "Lễ", "Tín". Về cuối đời ông dạy học và viết sách, sách Mạnh Tử của ông là một trong những cuốn sách quan trọng của Nho giáo. Ông được xem là ông tổ thứ hai của nho giáo và được hậu thế tôn làm "Á thánh Mạnh Tử" (chỉ đứng sau Khổng Tử).

[22]. Nguyên văn câu này là: 河內兇,則移其民於河東,移其粟於河內;河東兇,亦然。(Hà Nội hung, tắc di kỳ dân ư Hà Đông, di kỳ túc ư Hà Nội. Hà Đông hung, diệc nhiên).

[23]. Đặng Vũ Khiêu và nhiều tác giả khác. (2007). Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, Thời báo kinh tế Việt Nam. Tr. 37.  

[24]. Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê (chủ biên). (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr. 481.

[25]. Đinh Gia Khánh, 
Cù Huy Cận (chủ biên). (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn Học. Tr. 41. 

[26]. Đỗ Phấn. (2017).Buồn vui "Kẻ chợ". Báo Nhân Dân online. Đăng ngày 1/1/2017. Truy cập ngày 14/8/2023.

[27]. Nguyễn Trãi. (1960). Dư địa chí. Hà Nội: NXB: Sử học. Tr. 25.

[28]. Đó là các phố Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Bún, Hàng Bút, Hàng Cá, Hàng Cân, Hàng Chai, Hàng Cháo, Hàng Chĩnh, Hàng Chuối, Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giầy, Hàng Giấy, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Khay, Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Hàng Phèn, Hàng Quạt, Hàng Rươi, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Tre, Hàng Trống, Hàng Vải, Hàng Vôi… 

[29]. Alexandre De Rhodes. 
(1991). Từ điển Annam-Lusitan-Latinh Nội: NXB Khoa Học Xã Hội. Tr. 354.

[30]. Lê Văn Lan. (2022). Kẻ chợ - kẻ quê. Báo Dân Việt. Đăng ngày 3/2/2022. Truy cập ngày 14/8/2023.


Thư mục
•  Võ Hương An. (2017). Thăng Long và Gia LongNghiencuulichsu.com. Đăng ngày 13/2/2017. Truy cập ngày 12/8/2023.

•  An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 4. NXB Trẻ.

•  An Chi. (2010). Nghĩa của hai địa danh Thăng Long và Hà Nội. Chuyên đề An ninh thế giới số 996, đăng trên Báo Công an nhân dân online ngày 26/9/2010. Truy cập ngày 10/8/2023.

• Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận (chủ biên). (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn Học. 

• Đặng Vũ Khiêu và nhiều tác giả khác. (2007). Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, Thời báo kinh tế Việt Nam. 

• Lê Văn Lan. (2022). Kẻ chợ - kẻ quê. Báo Dân Việt. Đăng ngày 3/2/2022. Truy cập ngày 14/8/2023.

• Đinh Xuân Lâm. (2000). Dấu ấn Thăng Long Hà Nội (những năm đầu đến giữa thế kỷ XIX). Tạp chí Xưa và Nay, số 80B, tháng 10 năm 2000.


• Nguyễn Hiến Lê. (1996). Mạnh Tử. NXB Văn Hóa.

• Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Hậu Lê, dịch giả Cao Huy Giu, hiệu đính Đào Duy Anh. (2009). Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Văn Học. 

• Trần Huy Liệu (chủ biên). (1960). Lịch sử thủ đô Hà Nội. Hà Nội: NXB Sử Học.

• Tống Văn Lợi. (2009). Hệ thống bản đồ Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XV - XIX [Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội].

• Nguyễn Quang Lục. (1953). Hà Nội - Những kinh thành có trước Hà Nội: thành Cổ Loa, thành Liên Lâu, thành Long Biên, quyển nhất. Sài Gòn: NXB Gió Việt.

• Nguyễn Ngọc Ngạn. Truy nguồn gốc tên Hà Nội, Culturemagazin.com. 

• Đỗ Phấn. (2017). Buồn vui "Kẻ chợ". Báo Nhân Dân online. Đăng ngày 1/1/2017. Truy cập ngày 14/8/2023.

• Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Quảng Nam: NXB Giáo Dục.

• Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. (2007). Khâm định Việt sử thông giám cương mục. NXB Giáo Dục.

• Alexandre De Rhodes. (1651). Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum. Rome: Thánh bộ Truyền bá Đức Tin.

• Alexandre De Rhodes. (1991). Từ điển Annam-Lusitan-Latinh Nội: NXB Khoa Học Xã Hội.

• Nguyễn Văn Siêu. (2001). Phương Đình dư địa chí, quyển thứ 5, tỉnh Hà Nội. NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Tư Mã Thiên, dịch giả Nhượng Tống. (1944). Sử Ký. Hà Nội: NXB Tân Việt.

• Tôn Thất Thọ. (2023). Về sự kiện nhà Nguyễn "triệt phá" thành Thăng Long. Nghiencuulichsu.com. Đăng ngày 9/5/2023. Truy cập ngày 10/8/2023.

• Nguyễn Trãi. (1960). Dư địa chí. Hà Nội: NXB. Sử học.

• Nguyễn Tuân. (1940). Vang bóng một thời. Hà Nội: NXB Tân Dân. 

• Lý Minh Tuấn. (2010). Tứ thư bình giải (Luận Ngữ - Mạnh Tử - Đại Học - Trung Dung). NXB Tôn Giáo.

• Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán. (2004). Hà Nội nghìn xưa. Hà Nội: NXB Quân Đội Nhân Dân.

• Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê (chủ biên). (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.


 

Sách hay viết về Hà Nội


Hà Nội băm sáu phố phườngHà Nội băm sáu phố phường
NXB Hội Nhà Văn, 2019
Mua sách

Miếng ngon Hà NộiMiếng ngon Hà Nội
NXB Hội Nhà Văn, 2021
Mua sách

Tứ trấn Thăng Long - Hà NộiTứ trấn Thăng Long - Hà Nội
NXB Khoa Học Xã Hội, 2020
Mua sách  

Thăng Long Kinh kì - Kẻ chợ - Hà Nội thời cận đạiThăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ - Hà Nội thời cận đại
NXB Kim Đồng, 2022
Mua sách  

 



Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)