Tác giả: Vệ Thạch (Đào Duy Anh) Nhà xuất bản: Quan Hải Tùng Thư, nhà in Mirador, Huế Năm xuất bản: 1938 Thể loại: Văn Hóa - Tôn giáo
Cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Vệ Thạch (tức Đào Duy Anh) thuộc Quan Hải Tùng Thư được nhà in Mirador (Imprimerie du Mirador) xuất bản lần đầu tiên năm 1938 tại Huế.
Việt Nam văn hóa sử cương (tiếng Pháp: Esquisse d'histoire de la civilisation annamite) của Vệ Thạch (bút danh của học giả Đào Duy Anh) trên Atabook là bản in đầu tiên vào năm 1938. Trong lời Tựa cho cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh viết như sau (nguyên văn):
"Khắp một vùng trung châu Bắc kỳ, không một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta để dành lại quyền sống với tạo vật: suốt một giải Trung-kỳ vào đến trung châu Nam-kỳ, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai. Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm. Song cái văn hóa thích hợp cho sự sinh trưởng của một xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông, thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới.
Quyển sách bỉ nhân soạn đây chỉ cốt cống hiến một mớ tài liệu cho những người quan tâm về điều thứ nhất, là muốn ôn lại cái vốn văn hóa của nước nhà, chứ không có hy vọng gì hơn nữa.
Theo giới thuyết của Félix Sartiaux thì "văn hóa, về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạngthái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người".
Bỉ nhân biên sách này, cũng dựa theo giới thuyết của Félix Sartiaux mà chia đại khái ra ba bộ phận như sau này:
1) Kinh tế sinh hoạt.
(2) Xã hội sinh hoạt.
8) Trí thức sinh hoạt.
Đối với mỗi vấn đề bao hàm trong ba bộ phận ấy, bỉ nhân gắng biên chép rõ ràng con đường diên cách xưa nay cho đến trạng thái hiện tại, thản hoặc có chỗ sơ lậu là bởi tài liệu còn thiếu, chưa có thể tìm ra.
Sách này viết ra là nhân chương trình học vụ mới có thêm món Việt nam văn-hóa ở ban Cao-đẳng tiểu học. Tuy bỉ nhân không theo cách phân phối của chương trình nhà nước, vì không cốt soạn thành một bộ sách giáo khoa, song tất cả những vấn đề ở trong chương trình đều có nghiên cứu ở trong sách này, cho nên tuy sách có tính chất phổ thông mà các học sinh và giáo viên cũng có thể dùng làm sách tham khảo.
Mục đích bỉ nhân cũng không phải là soạn một bộ tổng hợp văn hóa sử, mà chỉ cốt thu thập những tài liệu hiện có, sắp đặt lại thành hệ thống, đã giúp cho những nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ công tìm kiếm mà thôi. Cũng vì lẽ ấy nên ở sau mỗi thiên, bỉ nhân thêm một mục sách tham khảo tường tể.
Bỉ nhân tự biết mình còn thiển lậu, mà trong sách này còn nhiều chỗ thiếu sót hoặc sai lầm, nên rất hy vong các bực thức giả tiên tiến trong nước sẽ vui lòng chỉ chính cho. Đến như lời văn thì nhiều chủ sống sượng cục xúc, không được có vẻ thuần nhã để gợi hứng thủ cho độc giả; nhưng nếu độc giả chỉ xem sách này là một mớ tài liệu để tham khảo thì hẳn sẽ sẵn lòng lượng thứ cho".
Huế, ngày 14 aout 1938
TÁC GIA CHÍ
Nhấp vào chữ Download bên dưới để tải về miễn phí ebook PDF Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Vệ Thạch Đào Duy Anh (Quan Hải Tùng Thư, Huế, 1938) trên Atabook.com