Thảo mai nghĩa là gì?
Quang Nguyễn
Thảo mai là từ lóng dùng để chỉ người sống giả tạo, lúc nào cũng tỏ ra hiền lành, ngây thơ nhưng thực chất lại là người sống thực dụng, toan tính.
Vì là từ lóng nên thảo mai không được tìm thấy trong hầu hết các từ điển nhưng có xuất hiện trong câu ca dao sau:
"Thảo mai rao bán chỉ vàng
Vào tới giữa làng lại bán chỉ xanh".
Nội dung của hai câu ca dao phần nào phản ánh sự lươn lẹo, “quay xe”, “lật mặt như bánh tráng” – những đặc tính của người thảo mai.
Theo chúng tôi, đây có lẽ là nguồn gốc ra đời của từ lóng thảo mai phổ biến trong tiếng Việt hiện nay.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao ca dao lại dùng chữ thảo mai để chỉ sự lươn lẹo ấy mà không dùng chữ khác? Chắc chắn là ca dao không có ý chỉ một cô gái nào đó tên Thảo Mai đi rao bán chỉ vàng, để rồi “vào tới giữa làng lại bán chỉ xanh” cả.
Vậy thực chất, chữ thảo mai trong câu ca dao trên có nghĩa là gì?
Có ý kiến giải thích cho rằng Thảo nghĩa là “cỏ, cây cỏ”, tượng trưng cho sự mềm mại, non nớt; còn mai có nghĩa là “che lấp, ẩn giấu” (như trong mai danh ẩn tích nghĩa là che giấu tung tích, tên tuổi).
Theo đó, thảo mai nghĩa là che giấu, ẩn mình bằng vẻ ngoài mềm mại, non nớt. Nói rộng ra, thảo mai là sự giả tạo thơ ngây giống như con nai vàng ngơ ngác, nhưng bản chất lại có thể là sói, là cáo.
Khi nói ai đó thảo mai, nhiều trường hợp không hẳn là khinh miệt mà chỉ là mỉa mai, châm biếm một cách nhẹ nhàng hoặc có khi là trêu đùa.
Từ thảo mai này cũng biến thể ra nhiều từ đi kèm với nó như: con thảo mai, giọng thảo mai, đồ thảo mai, v.v.. với các ngụ ý như sau:
• Con thảo mai: ý nói một người nào đó sống giả tạo lúc này lúc khác.
• Giọng thảo mai: ý nói giọng nói nghe có vẻ giả tạo không thành thực.
• Đồ thảo mai: tương đương với đồ giả tạo.
Người được dân mạng “tôn xưng” là Thánh thảo mai là nhân vật Nguyệt "thảo mai" do diễn viên Hà Hương đóng trong phim Phía trước là bầu trời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải được Trung tâm phim truyền hình Việt Nam (Đài truyền hình Việt Nam) sản xuất năm 2001.