Từ chính phủ (政府) trong tiếng Việt bắt nguồn từ Trung Quốc, vốn xuất hiện sớm nhất trong câu “Lý Lâm Phủ(1) lãnh sự bộ thượng thư, viết tại chính phủ” trong bộ sách Tư Trị Thông Giám(2) của Tư Mã Quang. Thời Đường và Tống bên Trung Quốc, chính phủ là nơi làm việc của tể tướng(3) và cũng là nơi tể tướng xử lý chính vụ.
Hiện nay tại Việt Nam, chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp tối cao của Nhà nước. Chính phủ do Chủ tịch nước thành lập và Quốc hội phê chuẩn, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm). Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn chính phủ mới.
Từ Thủ tướng (首相) là viết tắt của cụm từ "thủ tịch tể tướng" (首席宰相) dùng để chỉ người có chức vị cao nhất trong các tể tướng thời Đường và Tống bên Trung Quốc.
Trong cuốn Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, từ thủ tướng được giảng theo hai nghĩa sau:
1. Ông tể tướng đứng đầu cả triều
2. Tổng lý tòa nội các - Président du Cabinet(4).
Ngày nay, ở nhiều quốc gia, từ chính phủ dùng để chỉ cơ quan thi hành quyền lực quốc gia, tức cơ quan hành chính quốc gia, còn Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ.
Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp tối cao của Nhà nước. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Tại Việt Nam, chính phủ gồm Thủ tướng chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội.
Quốc hội bầu Thủ tướng theo đề nghị của Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội và chỉ có Quốc hội mới có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Căn cứ vào nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.