Tri Âm là gì? | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 13/02/2023

Tri Âm là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Tri âm có nghĩa là nghe tiếng đàn mà hiểu được lòng nhau, nghĩa mở rộng dùng để chỉ người bạn rất thân, thấu hiểu được lòng mình. 


Về từ nguyên, tri âm là phiên âm Hán Việt của chữ 知音 [zhīyīn]. Trong đó tri 知 có nghĩa là "biết", "hiểu"; âm 音 nghĩa là "âm điệu", "nốt nhạc". Vì vậy, tri âm có nghĩa là "biết thưởng thức tiếng đàn (nhạc)". 

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng tri âm (知音) gồm hai nghĩa khá đầy đủ: "Người tinh âm luật – Bạn bè thân mật". 


Ngạn ngữ cổ của Trung Quốc có câu: “Tri âm thuyết dự tri âm thính, bất thị tri âm mạc dữ đàm” - 知音说与知音听, 不是知音莫与谈 (Nghĩa là: tri âm chuyện với tri âm, chẳng tri âm gảy đàn cầm làm chi). 

Từ tri âm bắt nguồn từ câu chuyện nổi tiếng Du Bá Nha đập đàn tạ tri âm kể về tình bạn của Bá Nha(1)- một viên quan nước Tấn, và Tử Kỳ(2) - một tiều phu bên dòng sông Hán Giang, đời Xuân Thu Chiến Quốc (Trung Quốc). 

 
Bá Nha - Tử Kỳ
Tình bạn giữa Bá Nha - Tử Kỳ trở thành điển cố điển tích kinh điển về tri âm - tri kỷ. Ảnh minh họa

 

Câu chuyện tri âm tri kỷ - Bá Nha, Tử Kỳ


Tương truyền sau khi phụng chỉ vua Tấn đi sứ nước Sở trở về, khi đang trên thuyền ở cửa sông Hán Dương, gặp đêm trung thu trăng thanh gió mát, phong cảnh hữu tình, Bá Nha cao hứng mang đàn ra gảy. Nhưng bản đàn chưa dứt mà dây đã bị đứt.

Ngờ rằng nơi núi cao sông dài này hẳn là có người nào đang nghe lén tiếng đàn, lại cũng ngờ thích khách, Bá Nha truyền quân lên bờ đi tìm. Lúc này, trên bờ mới vọng lên tiếng nói của một người bảo rằng mình là một tiều phu, nghe tiếng đàn hay quá dừng chân nghe. Bá Nha có ý nghi hoặc sao một người đốn củi lại biết nghe đàn, nhưng khi chàng trai đối đáp trôi chảy, thậm chí biết rõ bản đàn Bá Nha vừa gảy thì ông không còn mảy may ngờ vực nữa, bèn mời xuống thuyền đàm đạo. 


Chàng trai trẻ đó chính là Tử Kỳ (Chung Tử Kỳ), một ẩn sĩ đốn củi bến sông để được sớm tối phụng dưỡng mẹ cha già yếu. Trên thuyền, Bá Nha gảy khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy, Tử Kỳ rung cảm sâu sắc cao đàm khoát luận, khiến Bá Nha khâm phục hết mực.

Khi Bá Nha gẩy đến đoạn tả cảnh núi cao, Chung Tử Kỳ nghe xong bèn nói : “Thật tuyệt vời, sừng sững nguy nga tựa Thái Sơn”. Đến đoạn tả cảnh nước chảy, Chung Tử Kỳ nghe xong bèn nói: “Thật tuyệt, sóng nước mênh mang tựa giang hồ”.


Sung sướng vì tìm được tri âm, Bá Nha sai người bày tiệc đối ẩm, rồi sau đó lại kết nghĩa anh em với Tử Kỳ. Bá Nha có ý mời Tử Kỳ rời non cao rừng thẳm về kinh cùng mình để sớm hôm đàm đạo và vui hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng Tử Kỳ thoái thác vì việc hiếu. Việc quan không thể chần chừ, Bá Nha đành phải xuôi thuyền về kinh, không quên hẹn ước với Tử Kỳ vào ngày Trung thu năm sau sẽ lại gặp nhau ở ghềnh đá chân núi Mã Yên.

Nhưng trời không chiều lòng người, chàng tiều phu - danh sĩ ẩn dật Chung Tử Kỳ đã mất trong một cơn bạo bệnh. Tương truyền, trước khi chết Tử Kỳ còn trăn trối phải chôn chàng nơi bến sông Hán Dương, cạnh núi Mã Yên, để giữ lời hẹn với Bá Nha.

Mùa thu năm sau Bá Nha trở lại bến sông xưa thì nghe được tin dữ. Bá Nha đã tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, sầu thảm khóc gảy một bản nhạc ai điếu Thiên Thu Trường Hận. Đàn xong, ông đập đàn vào đá, thề trọn đời không đàn nữa vì biết mình từ nay vĩnh viễn không còn bạn tri âm, không còn ai hiểu tiếng đàn của mình bằng Chung Tử Kỳ. Do đó, về sau, người ta gọi những ai hiểu sâu sắc về mình là tri âm mà nghĩa nguyên thủy của nó là nhận biết được âm thanh của mình.


Chú thích

(1) Bá Nha (giản thể: 伯牙, phồn thể: 伯雅) hay Sở Bá Nha, họ Du tên Thụy, người nước Sở nhưng làm quan Thượng Đại Phu nước Tấn. Ông là một khách phong lưu văn mặc, có ngón đàn thất huyền cầm nổi tiếng đương thời.

(2)  Tử Kỳ (子期) hay Chung Tử Kỳ (鍾子期), họ Chung tên Huy, nhà tại Tập Hiền Thôn gần núi Mã Yên cửa sông Hán Giang, là một danh sĩ ẩn dật làm nghề tiều phu (đốn củi) để báo hiếu cha mẹ tuổi già nua.

Tham khảo

• Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2005


Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc  

• Thành ngữ Trung Việt thông dụng không những giúp bạn đọc hiểu thêm những thành ngữ Trung Hoa mà còn là một cách học để nhớ lâu và nhanh nhất tiếng Hoa. 


• Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy  khảo cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về các đặc điểm văn hóa Trung Quốc được biểu hiện qua tranh sơn thủy truyền thống, với chủ thể văn hóa là dân tộc Hán, trong không gian xã hội Trung Quốc, trục thời gian (chủ đạo là giai đoạn cổ – trung đại) kéo dài từ lúc tranh sơn thủy được hình thành đến cuối thời Thanh (1911). 

• Cẩm nang du lịch Trung Quốc  sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Trung Quốc với hàng loạt những thông tin thiết thực và gợi ý hữu ích từ các chuyên gia

Bình luận (1)