Tảo tần là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 24/02/2023

Tảo tần là gì? 

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn


Tảo tần (hay tần tảo) dùng chỉ đức tính siêng năng, chịu thương chịu khó, đảm đang, giỏi thu vén việc nhà của người phụ nữ. 
 

Tảo tần là gì

Tảo tần (hay tần tảo) chỉ sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. Ảnh: Soha News


Ca dao xưa có câu: 

Cô Hai buôn tảo bán tần
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa


Trong Hán Việt từ điển giản yếu, học giả Đào Duy Anh đã giảng tảo tần như sau: "rau tảo với rau tần là thứ rau làm đồ tế [tức đồ cúng - Quang Nguyễn] 
 

Nguồn gốc của tảo tần


Về từ nguyên, tảo tần (hoặc tần tảo) bắt nguồn từ bài thơ Thái Tần (采蘋) trong Kinh Thi(1), nguyên văn như sau:

 
Vu dĩ thái tần,
Nam giản chi tân
Vu dĩ thái tảo
Vu bỉ hàng lạo


于以采蘋?
南澗之濱。
于以采藻?
于彼行潦。

Dịch nghĩa:

Đi hái rau Tần,
bên bờ khe phía nam,
đi hái rong Tảo,
ở chỗ nước mưa chảy cuốn nơi ngoài rãnh kia.


Dịch thơ:

Để mà đi hái rau tần,
Núi nam hay mọc ở gần bờ khe.
Tảo kia ta hái luôn về,
Bên đường nước chảy dầm dề sau mưa. 

 
Bốn câu thơ trên được Chu Hi(2) chú giải như sau (nguyên văn):

"Chương này thuộc phú, 蘋 tần, rau lục bình nổi trên mặt nước, người Giang Đông gọi là bèo, 濱 tân, bờ nước, 藻 tảo, rong tụ tảo ở đáy nước, cọng như cọng cây thoa, lá như cỏ bồng, 行潦 hàng lạo, cái rãnh nước mưa chảy cuộn đi. Nước phía nam chịu sự giáo hoá của Văn vương, vợ của quan đại phu năng lo việc cúng tế, người nhà của nàng mới kể lại việc ấy mà khen tặng". 

Theo cách chú giải của Chu Hi thì tảo tần nghĩa gốc chỉ loại rong bèo vốn không dễ hái: rau tần mọc bên khe suối, còn rau tảo lại mọc dưới nước. Theo phong tục xưa kia của Trung Quốc, người ta thường đi hái rau tảo rau tần về làm cỗ cúng tổ tiên. Vậy nên chỉ có những người chịu khó, chăm chỉ, đảm đang mới có thể lặn lội đi tìm và hái những loại rau này về làm đồ cúng tế. Mà những người như thế trong xã hội phong kiến thời xưa chỉ có thể là người phụ nữ trong gia đình. Dần dần, tảo tần tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó của người phụ nữ rồi phát triển thành nghĩa phái sinh chỉ sự vất vả, cực nhọc.

Ở Việt Nam, ý biểu trưng của tảo tần cũng được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn, trong truyện Phạm Tải – Ngọc Hoa có câu thơ sau:

Sớm khuya chăm việc tảo tần
Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai.

Chú thích

(1) Kinh Thi (诗经) là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, gồm 311 bài thơ.

(2) Chu Hi (hoặc Chu Hy) sinh năm 1130, mất năm 1200, là người đã phát triển học thuyết lí - khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa lí học lên thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu lí học. Lí học Chu Hi có ảnh hưởng lớn về sau ở Trung Quốc và trở thành tông phái chính của Nho học thời Minh - Thanh. Học thuyết của Chu Hi cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước khác ở Á Đông. Ở Việt Nam, vào thời Đức Xuyên (1603 - 1867) việc nghiên cứu Chu Tử (Chu Tử học) rất thịnh hành.

Tài liệu tham khảo

1. Khổng Tử, Kinh Thi (Thi Kinh tập truyện), dịch giả Tạ Quang Phát, NXB Đà Nẵng, 2003 

2. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005 


Sách hay viết về phụ nữ hiện đại không nên bỏ qua  

• Đừng chỉ đẹp mà không hiểu chuyện chính là cuốn sách dành cho bạn nếu bạn muốn rèn luyện sự TỰ TIN, sự LINH HOẠT, sự TINH TẾ, sự SÂU SẮC, sự CHỈN CHU. Người phụ nữ chỉ đẹp mà không hiểu chuyện, vừa là lãng phí của trời cho, vừa là thiếu tôn trọng chính mình; vừa dễ bị đàn ông lợi dụng, vừa hay bị những người phụ nữ khác coi thường. 

• Bạn đắt giá bao nhiêuCâu trả lời này do chính bạn quyết định, chính bạn “định giá”. 


• Bạn mới là chủ nhân của cuộc đời mình gồm những bài học kinh nghiệm, những câu chuyện thật từ chính cuộc sống của tác giả Lý Ái Linh – một người phụ nữ ngoài 30 tài mạo song toàn nhưng cũng đi qua nhiều biến cố trong công việc, gia đình, tình yêu, hôn nhân…như bao phụ nữ khác.

Bình luận (0)