Nguồn gốc địa danh Vạn Giã ở Khánh Hòa | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 14/12/2022

Nguồn gốc địa danh Vạn Giã ở Khánh Hòa

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn 

Vạn Giã nguyên thủy nghĩa là làng của những người làm nghề chài lưới. Tên gọi Vạn Giã có được là do tên 2 cửa biển của vịnh Vân Phong ghép lại mà thành, đó là Cửa Vạn và Cửa Giã. 


Vạn Giã là tên của một thị trấn thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa với dân số ước tính 20.266 người. Thị trấn Vạn Giã gồm có 12 tổ dân phố và khu dân cư, giao thông phát triển, có tuyến đường sắt quan trọng nối liền các tỉnh miền Bắc và miền Nam với nhau.

Địa hình thị trấn Vạn Giã tương đối bằng phẳng nằm trong khu vực đồng bằng phù sa mới. Nơi đây là  vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, đồng thời được xem là một trong những thị trấn phát triển nhất tỉnh Khánh Hoà, phát triển mọi mặt về giáo dục, văn hoá và kinh tế ổn định. 

Vạn Giã được người thời trước gọi là xứ "cơm trước mặt, cá sau lưng" vì ruộng đất phì nhiêu, cá tôm đặc biển nên con người ở đây vì thế cũng rộng rãi, hiếu khách. Khi xưa, người dân địa phương cũng như đồng bào ngược xuôi Nam - Bắc vẫn thường gọi một tiếng Giã đơn giản mà vô cùng thân thiết như: đi Giã, về Giã, xuống Giã, ở Giã v.v… Những cái tên: ga Giã, chợ Giã, cửa Giã, trạm Giãđến nay vẫn tồn tại nơi đầu môi cửa miệng của người dân xứ Vạn.

 
 

Tên gọi Vạn Giã có nguồn gốc từ đâu mà ra?


Có ít nhất hai ý kiến khác nhau về tên gọi Vạn Giã.

Ý kiến thứ nhất cho rằng địa danh Vạn Giã có được là do tên 2 cửa biển của vịnh Vân Phong ghép lại mà thành, đó là Cửa Vạn và Cửa Giã. Đây là cách hiểu của một số nhà nghiên cứu mà khởi đầu là nhà văn - nhà thơ Quách Tấn khi ông viết cuốn biên khảo Xứ Trầm Hương xuất bản lần đầu tiên năm 1969 tại Sài Gòn.

Cửa Vạn thuộc bán đảo Đầm Môn, nằm dưới chân bán đảo Bàn Sơn, là bờ phía Đông của vịnh Vân Phong. Từ đây trông ra một hòn đảo lớn nên người xưa gọi là Hòn Lớn. Ca dao xưa ở vùng này có câu:

Ngó ra Hòn Lớn ba lần
Thấy anh ở trần trong dạ xót xa
Trở về mua lụa đậu ba
May áo cổ giữa gửi ra cho chàng

Hòn Lớn (tên chữ là Đại Dự) sừng sững che chắn giông bão cho tàu thuyền ngư dân, vì thế phía sau là nơi rất kín gió. Đầm Môn ngày nay thuộc xã đảo Vạn Thạnh và đã nối với đất liền bằng con đường xẻ cát dài hơn 18km từ Đầm Môn gối đầu với Quốc lộ 1A tại đèo Cổ Mã ở cây số 1372 + 740, đi qua các thôn Tuần Lễ, Xóm Mới, Vĩnh Yên. Tàu bè ra vào Cửa Vạn bằng hai lạch ở giữa Hòn Lớn và hai nhánh núi của bán đảo Bàn Sơn. Lạch phía Đông là lạch Cửa Bé, lạch phía Tây là lạch Cửa Lớn (còn gọi là lạch Cổ Cò).

Cửa Giã nằm trong đất liền thuộc Vạn Giã ngày nay (kéo dài từ bờ biển xã Vạn Lương đến giáp bờ xã Vạn Thắng), nước sông Hiền Lương chảy ra cửa này, là nơi tấp nập ghe thuyền buôn bán ra vào neo đậu. Cửa Giã ngày nay đã trở thành khu dân cư đông đúc, nhà cửa sầm uất.

 
Ý kiến thứ hai cho rằng địa danh Vạn Giã nguyên thủy nghĩa là làng của những người làm nghề chài lưới (vạn: làng chài dọc theo vịnh biển, cửa sông; giã: nghĩa hẹp: lưới giã, nghề biển trước đây rất phổ biến ở địa phương; nghĩa rộng: chỉ nghề biển nói chung: biển giã).

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép: “Quán Vạn Giã: ở huyện Quảng Phước, dân cư trù mật, làm nghề đánh cá, từ khi binh lửa, dân bị điêu tàn”.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ Vạn Giã có nghĩa là gì, nguồn gốc tên gọi Vạn Giã. Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc xem thêm những bài viết thú vị khác trên Atabook.com


Website cùng hệ thống

AtaHome
Bình luận (0)