Nguồn gốc các tên gọi Japan, Nippon, Phù Tang của Nhật Bản | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 13/02/2023

Nguồn gốc các tên gọi Japan, Nippon, Phù Tang của Nhật Bản

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Nhật Bản là gì?
 

Nhật nghĩa là "mặt trời", Bản nghĩa là "gốc", "nơi bắt đầu". Tên gọi Nhật Bản cũng gợi ít nhiều về đất nước mặt trời mọc vì đây là quốc gia đón nhận ánh nắng mặt trời sớm nhất trên thế giới.

Theo truyền thuyết, nước Nhật Bản(1) thành lập từ năm 660 trước công nguyên (Tr. CN) khi thiên hoàng Jim-mu (Thần Vũ), dòng dõi của nữ thần mặt trời Amateraxu lên ngôi. Tuy nhiên, thực tế thì nhà nước ở Nhật Bản ra đời tương đối muộn. Mãi đến thế kỷ 1 Tr. CN, Nhật Bản mới bắt đầu bước vào thời kỳ đồ đồng và đến khoảng đầu công nguyên, những hình thức sơ khai của nhà nước mới bắt đầu ra đời ở miền Tây Nhật Bản. 

 

Nhật Bản nghĩa là đất nước mặt trời mọc
Lá cờ Nhật Bản mang biểu tượng mặt trời mọc

 

Tên gọi Nhật Bản có từ khi nào? 


Vào thế kỷ 7, Nhật Bản lấy danh hiệu triều đình là Đại Hòa làm tên gọi nhà nước, gọi là Đại Hòa Quốc. Sử cũ chép vào năm 607 (tức năm thứ 3 Tùy Dưỡng Đế Đại Nghiệp ở Trung Quốc, năm thứ 15 Thôi Cổ Thiên Hoàng ở Nhật), phía Nhật Bản đã phái Tiểu Dã Muội Tử (phiên âm Hán Việt) đi sứ và dâng quốc thư lên triều Tùy, quốc thư mở đầu bằng câu: “Thiên tử nơi mặt trời mọc gửi thư cho thiên tử mặt trời lặn”.

Tên gọi Nhật Bản có lẽ đã xuất hiện từ thế kỷ 7 này chăng: năm 607? 

 

Nhật Bản tiếng Anh là gì?


Nhật Bản là phiên âm hết sức tinh tế của tiếng Việt từ tiếng Hán giọng Bắc Kinh rìběn 日本. Tiếng Anh Japan cùng với tiếng Pháp Japon dùng để gọi tên nước Nhật Bản cũng phiên âm theo tiếng đó. 
 

Tại sao Nhật Bản còn có tên là Nippon? 


Nippon (có lúc cũng dùng Nihon – cả hai từ này được viết giống nhau trong tiếng Nhật) là phiên âm thẳng từ tiếng Nhật; chữ Nhật, viết theo lối Romaji (La Mã tự) cũng là Nippon. Đây là tên mà chính người Nhật dùng để gọi nước mình. Từ Nippon được dùng hầu hết cho các mục đích hành chính như tiền tệ, tem thư và các sự kiện thể thao quốc tế.


Từ Nihon ở Nhật thì lại được dùng không có chủ định. Ví dụ, người Nhật gọi bản thân họ là Nihonjin và ngôn ngữ của họ là Nihongo.

Hiện nay ở Nhật Bản, từ Nihon được phần lớn người dân Nhật sử dụng trong khi từ Nippon được dùng chủ yếu ở các thế hệ trước. Người Mỹ cũng thu nhận địa danh Nippon, do đó mà có tính từ Nipponese rồi danh từ Nipponese, nói tắt là Nip

 

Tại sao Nhật Bản còn có tên gọi là Phù Tang? 


Lý do nước Nhật còn được gọi là Phù Tang, vốn xuất xứ như sau: Phù Tang nguyên là tên của một loại cây mà Thuyết Văn Giải Tự(2) của Hứa Thận(3) giải thích là “cây huyền thoại, (là) nơi mặt trời mọc vậy”. 


Sách Thập Châu Ký cũng giải thích : “(Cây) Phù tang ở trong biển Biếc (Bích Hải), cây mọc cao đến mấy ngàn trượng, tán xoè ra đến hơn ngàn trượng, hai thân chung một cội, cùng nương tựa nhau, (là) nơi mặt trời mọc vậy”.


Vì tên của nước Nhật Bản có nghĩa là “gốc ở mặt trời” nên thời xưa người ta đã đồng nhất hóa nó với xứ sở của loại cây huyền thoại trên đây mà gọi nó là nước Phù Tang. Trong Hán ngữ hiện đại, người ta còn dùng hai tiếng Phù Tang để chỉ cây dâm bụt (bông bụp).


Chú thích

(1) Nhật Bản có diện tích 377.835 km2, dân số năm 2005 theo thống kê là 127.417.244 người. Thủ đô là Tokyo (Xin nói thêm Tokyo là một quận chứ không phải thành phố, chính xác hơn thì khu vực Đại Tokyo là khu vực đô thị lớn nhất và Yokohama là thành phố lớn nhất Nhật Bản).

(2) Thuyết văn giải tự (說文解字), cuốn từ điển từ nguyên chữ Hán đầu tiên, cũng là cuốn từ điển đầu tiên sắp xếp các chữ Hán theo bộ thủ. Bộ từ điển này có hơn 9.000 mục tự với 540 bộ thủ (部首), giải thích nguồn gốc các chữ Hán căn cứ chủ yếu trên cơ sở nghiên cứu chữ triện ban đầu.

[3] Hứa Thận (許慎) sinh năm 58, mất năm 147
là một nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, sống vào thời nhà Đông Hán ở Yển Thành (郾城) thuộc Tháp Hà (漯河) ở tỉnh Hà Nam ngày nay. Ông là một nhà học giả chuyên nghiên cứu Ngũ Kinh và đã viết Ngũ Kinh Dị Nghĩa (五經異義). Dù bản gốc của bản này đã bị thất bản vào thời nhà Đường nhưng học giả Trần Thọ Kỳ (陳壽棋, 1771–1834) thời nhà Thanh đã tái phục hồi một số đoạn của tác phẩm này. Hứa Thận đã hoàn thành bộ từ điển Thuyết văn giải tự (說文解字) vào năm 100 Công nguyên nhưng vì lý do chính trị, ông phải đợi đến năm 121 mới giới thiệu bộ từ điển hoàn chỉnh cho Hán An Đế.


Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản  

• Cẩm nang cuộc sống tại Nhật Bản cung cấp một cách chi tiết nhất những việc cần thực hiện ngay khi các bạn đặt chân đến Nhật Bản, từ đăng ký thẻ ngoại kiều, thẻ cư trú cho đến việc thuê nhà, đăng ký sử dụng các dịch vụ thiết yếu, cách sử dụng phương tiện giao thông, cách đi khám chữa bệ Đây không chỉ là một cuốn sách cung cấp thông tin mà còn là công cụ hỗ trợ các bạn rèn luyện trong quá trình học tiếng Nhật. 


• Japonisme – những điều Rất Nhật Bản là một cuốn sách mang đầy hơi thở của xứ sở hoa anh đào, là nguồn cảm hứng vô tận để bạn khám phá nghệ thuật kiếm tìm hạnh phúc, sự đủ đầy cho Kokoro (trái tim và tâm trí) lẫn Karada (thân thể) của mình.

• Đến Nhật Bản học về cuộc đời là một quyển sách kì lạ. Vì trước khi là một quyển sách vạn bản, đó là quyển nhật ký 368 ngày sống ở Nhật của một cô gái nhỏ.

Bình luận (0)