Ném đá giấu tay là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 21/08/2023

Ném đá giấu tay là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Ném đá giấu tay là cách nói ám chỉ những việc làm mờ ám, hạ tiện nhưng lại giấu không nhận là của mình của kẻ hạ sĩ tầm thường. 
 

Không Tử và Tử Lộ
Ném đá giấu tay xuất xứ từ điển tích Khổng Tử và học trò Tử Lộ. Ảnh: kknews

Về từ nguyên, ném đá giấu tay là thành ngữ Trung Quốc, xuất xứ từ điển tích giữa Khổng Tử và học trò là Tử Lộ được chép trong thiên Thuyết phù (說符) của sách Liệt Tử (列子) [1], cụ thể như sau:

"Có một lần Khổng Tử (孔子) [2] đi chơi núi bảo học trò là Tử Lộ (子路) [3] xuống suối tìm nước uống. Tử Lộ xuống suối đụng phải cọp liền đánh nhau với nó và rứt được một nắm lông đuôi, giấu vào trong áo, rồi xách nước mang về.

Gặp thầy, Tử Lộ hỏi Khổng Tử : - Thưa thầy, kẻ thượng sĩ giết cọp như thế nào?

Khổng Tử đáp: - Kẻ thượng sĩ nắm lấy đầu cọp mà giết.

Tử Lộ lại hỏi: - Kẻ trung sĩ giết cọp như thế nào?

Khổng Tử đáp: - Kẻ trung sĩ nắm lấy tai cọp mà giết.

Tử Lộ lại hỏi: - Vậy còn kẻ hạ sĩ giết cọp như thế nào, thưa thầy?

Khổng Tử điềm nhiên đáp: – Kẻ hạ sĩ nắm lấy đuôi cọp mà giết.

Tử Lộ bèn lặng lẽ vứt nắm lông đuôi đi, giận mà nghĩ rằng: Thầy biết dưới suối có cọp mà bảo mình xuống đó lấy nước là muốn giết mình.

Nghĩ đoạn, Tử Lộ bèn nhặt một hòn đá giấu trong áo, định ném thầy.

Tử Lộ: - Kẻ thượng sĩ giết người như thế nào?

Khổng Tử: – Kẻ thượng sĩ giết người bằng ngòi bút.

Tử Lộ: - Kẻ trung sĩ giết người như thế nào?

Khổng Tử: – Kẻ trung sĩ giết người bằng lưỡi.

Tử Lộ: - Kẻ hạ sĩ giết người như thế nào?

Khổng Tử: - Kẻ hạ sĩ giết người bằng cách ném đá giấu tay.

Từ đó Tử Lộ mới kính phục thầy”.

 
Ngày nay, thành ngữ ném đá giấu tay đã được rút gọn lại thành ném đá [4], trở thành một thuật ngữ, một từ lóng rất thông dụng trên mạng xã hội và thậm chí xuất hiện cả "phong trào ném đá", hoặc "ném đá hội đồng" hoặc "ném đá tập thể". Vấn đề ở chỗ là có những trường hợp không cần dẫn ra những luận chứng, luận cứ, một số cư dân mạng cứ thế tung lên những ý kiến trái chiều, những mỉa mai, xúc xiểm, miệt thị, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác như một cách để khẳng định bản thân trong thế giới ảo, bất chấp mình chẳng phải người trong cuộc.

 
Chú thích

[1]. Liệt tử (列子) được cho rằng có tên thật là Liệt Ngự Khấu (列禦寇), sinh khoảng năm 430 Tr.CN và mất khoảng năm 349 Tr.CN. Tuy nhiên, Liệt Tử (tức Liệt Ngự Khấu) và cả bộ sách Liệt Tử vẫn còn gây tranh cãi vì có địa vị rất mờ nhạt trong thời kỳ Bách Gia Chư Tử. Trong quyển Đại cương triết học Trung Quốc viết vào khoảng 1962 - 1963, tác giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê lý giải rằng đó là do bộ Liệt tử chưa biết rõ tác giả là ai. Theo các học giả gần đây thì có lẽ là do người đời Nguỵ, Tấn viết rồi mạo danh là Liệt Ngự Khấu, một triết gia đời Xuân Thu.

Mặc dù vậy, học giả Nguyễn Hiến Lê vẫn đánh giá cao triết thuyết của Liệt Tử, đó là “gần đạo Lão, mà cách phô diễn (dùng nhiều ngụ ngôn chứ ít lí thuyết) lại gần Trang. Không chê Khổng tử lắm, có cảm tình với Khổng là khác mà có chỗ lại cơ hồ như chịu ảnh hưởng của Mặc".

Bộ Liệt Tử còn có tên là Sung hư chân kinh (冲虚真经) hay Sung hư chí đức chân kinh (沖虛至德真經), gồm 8 chương:

I. Thiên thuỵ 天瑞
II. Hoàng Đế 黃帝
III. Chu Mục vương 周穆王
IV. Trọng Ni 仲尼
V. Thang vấn 湯問
VI. Lực mệnh 力命
VI. Dương Chu 楊朱
VIII. Thuyết phù 說符

[2]. Khổng Tử (孔子) còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子, sinh năm 551 Tr.CN, mất năm 479 Tr.CN. Ông là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà biên khảo nổi tiếng của Trung Quốc. Các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Hiện có hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

[3]. Tử Lộ (子路) tự là Trọng Do (仲由), sinh năm 542 Tr.CN, mất năm 480 Tr.CN, người ở ấp Biện nước Lỗ. Ông là học trò giỏi và là học trò lớn tuổi của Khổng Tử. Tử Lộ cũng là một trong hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo trong tác phẩm Nhị thập tứ hiếu của Quách Cư (có sách ghi Quách Cư Kinh 郭居敬). Nhà nghèo, Tử  Lộ thường phải đi đội gạo rất xa đem về nuôi cha mẹ mà không nệ hà cực nhọc. Không tiền mua thức ăn, ông đi hái rau lê, rau hoắc nấu canh dâng lên cha mẹ dùng đỡ. Sau khi cha mẹ mất, ông qua nước Sở được vua Sở trọng dụng, ban cho quan tước và bổng lộc cao sang. Trong cảnh phú quí vinh hoa, ông thường nhắc đến cha mẹ và lấy làm tiếc là cha mẹ không còn sống để cùng vui hưởng cảnh giàu sang, nên Tử Lộ than rằng : Nay muốn ăn rau lê rau hoắc, đội gạo như trước chẳng được nữa, vì cha mẹ đã mất.

Khi còn là học trò Khổng Tử, ông nổi tiếng là người hung hăng, hiếu dũng, hiếu thắng. Khổng Tử từng gọi Tử Lộ đến mà dạy rằng: “ Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”. Nghĩa là: Điều gì mình biết thì bảo rằng biết, điều gì mình không biết thì cứ bảo là không biết, như thế tức là đã biết vậy!

[4]. Một số ý kiến cho rằng tiếng lóng "ném đá" trong tiếng Việt hiện nay vốn là biến thể của hình thức xử tử bằng cách ném đá được thực hiện ở một số gia Hồi Giáo như Ả Rập Saudi, Iraq, Quatar, Pakistan, ... Theo đó, đối tượng bị xử phạt bị một nhóm người ném đá vào mình cho đến chết. Do hành động bởi đám đông nên không thể xác định ai là nguyên nhân dẫn đến đối tượng bị tử vong.



Thư mục

• Nguyễn Hiến Lê, Liệt Tử - Dương Tử, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1992

• Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2012 



Sách hay chọn lọc tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc


Thành ngữ Trung Việt thông dụngThành ngữ Trung Việt thông dụng
NXB Dân Trí, 2019
Mua sách

Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủyĐặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy
NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2022
Mua sách

Cẩm nang du lịch Trung QuốcCẩm nang du lịch Trung Quốc
NXB Dân Trí, 2018
Mua sách  


Trung Hoa sử cươngTrung Hoa sử cương
NXB Quan Hải Tùng Thư, 1942
Tải sách  
 
Bình luận (0)