Ma cô (macô) là gì? Mặt rô là gì?

Quang Nguyễn
Ma cô (macô) nghĩa là kẻ làm nghề dẫn gái điếm hoặc kẻ đểu giả.
Định nghĩa về "ma cô" ở trên là do Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên) đưa ra. [1] Tuy nhiên, xét về mặt từ nguyên, tùy vào ngữ cảnh mà "ma cô" có các cách hiểu khác nhau.
Trong bài viết này, mời Quý vị cùng AtaBook tìm hiểu về các ý nghĩa khác nhau của "ma cô" nhé.
Từ cái nghĩa "kẻ chăn dắt gái", ma cô thành tên gọi chỉ giang hồ. Ảnh: express.24sata.hr
1. Ma cô là kẻ hành nghề chăn dắt gái mại dâm
Đây là cách hiểu phổ biến của người Việt khi sử dụng từ ma cô và hầu hết các từ điển uy tín cũng đều giảng theo nghĩa này.
Ngoài Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học mà chúng tôi đã dẫn ở trên, cuốn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) cũng giảng ma cô có nghĩa là "dân đóng cửa rút cầu, kẻ mối lái, chở che cho đĩ ". [2]
Theo cách hiểu trên thì ma cô là một từ Việt mượn của tiếng Pháp, bắt nguồn từ chữ maquereau được Từ điển Pháp Việt (Viện ngôn ngữ học, 2002) giảng gồm hai nghĩa: 1. Cá thu 2. Kẻ kiếm lời từ việc chứa đĩ, kẻ dẫn gái, ma cô, tú bà. [3]
Tuy nhiên, khi maquereau "nhập tịch" vào tiếng Việt từ những năm 30 của thế kỷ 20 thì người Việt chỉ thường nói "thằng ma cô" để gọi những tay chăn dắt gái mại dâm chứ ít đề cập đến cái nghĩa "cá thu" của từ này.
Mặt rô là gì?
Mặt rô trong phương ngữ Nam Bộ chính là phiên âm từ maquereau trong tiếng Pháp được Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Sđd) giảng là "mặt người đàn ông to lớn, rộng bề ngang, đen đúa xấu xa"; [4] còn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (NXB Khoa Học Xã Hội, 2007) giảng: "mặt hung tợn của những tay anh chị, giang hồ". [5]
Thật ra, theo âm gốc của maquereau là /ma.kʁo/ thì khi phiên âm sang tiếng Việt, viết đúng sẽ là mặc rô vì âm đầu của âm tiết thứ hai ở đây là [k] (/ma.[k]ʁo/) chứ không phải [t]. [6]
Cho nên, đúng ra phải viết là mặc rô thì (bị) viết thành mặt rô dẫn đến cách hiểu không đúng khi mặt rô trở thành một bộ phận trên cơ thể (mặt) rồi thành nghĩa phái sinh của maquereau trong tiếng Việt dùng để chỉ dân xã hội đen, giang hồ, côn đồ, đâm thuê chém mướn, v.v.. mặc dù nhiều người trong số họ không phải là tú ông hành nghề chăn dắt gái điếm, gái ăn sương như cái nghĩa gốc của maquereau.
2. Ma cô là vị thọ tiên hoặc nữ thần trường thọ trong dân gian Trung Hoa
Theo cách hiểu này thì Ma Cô là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở chữ ghi là 麻姑 [má gū] - tên của nữ thần hoặc tiên nữ được người Trung Hoa xem là đại diện của sự trường thọ.
Có khá nhiều truyền thuyết trong dân gian Trung Hoa xung quanh nhân vật này, trong đó tài liệu được xem là sớm nhất ghi chép về Ma Cô là Thần tiên truyện 神仙传 của Cát Hồng 葛洪 (283 - 343).
Trong Thần tiên truyện, Ma Cô xuất hiện ở hai câu chuyện:
• Trong câu chuyện đầu ghi chép về Tế Thái (một người ở vào thời Đông Hán nhờ dốc lòng tu tập mà đắc đạo thành tiên), Ma Cô là em gái của tiên nhân Vương Phương Bình 王方平. [7] Theo mô tả, Ma Cô là một tiên nữ xinh đẹp, dung nhan tựa thiếu nữ mười tám, trên đầu búi một chùm tóc, tóc còn dư xõa xuống tới lưng, mặc áo cẩm tú màu sắc rực rỡ, đều là vật không thấy ở thế gian. Ngón tay của Ma Cô nhỏ dài như móng chim.
Khi cùng với Vương Phương Bình tới thăm nhà Tế Thái, Ma Cô nói muốn trông thấy mẹ và vợ của Tế Thái, lúc ấy vợ Tế Thái vừa sinh được mấy ngày. Ma Cô vừa thấy thì biết liền, bảo cô không cần phải ra. Sau đó Ma Cô lấy một hạt gạo quẳng xuống đất liền biến thành đan sa. [8] Vương Phương Bình cười nói: “Này Ma Cô em! Em còn thích đùa giỡn như lúc còn trẻ à!”. Ma Cô đáp: “Từ khi chia tay tới nay, Đông Hải đã ba lần biến thành ruộng dâu, em vừa trông thấy biển Phùng Lai lại cạn lắm!” Vương Phương Bình cười nói: “Thánh nhân cũng nói, trong biển không bao lâu khói bụi lại nổi lên”. [9]
Theo quan niệm dân gian Trung Hoa, thời gian để biển cả bị bồi lấp hóa thành đất đai canh tác mà trồng được dâu tằm phải mất cả trăm năm đến hàng vạn năm. Rồi lại mất thêm hàng trăm, hàng vạn năm nữa nương dâu mới bị nhấn chìm xuống biển. Vậy mà Ma Cô có dung mạo chỉ 18 tuổi lại có thể thấy được những ba lần biến hóa như thế, chứng tỏ Ma Cô đã sống được rất lâu rồi.
Người đời sau này dựa vào tích truyện này mà suy tụng Ma Cô là vị thọ tiên, tượng trưng cho sự trường thọ. Câu thương hải tang điền 蒼海桑田 (tức biển hóa nương dâu) trong điển tích này cũng xuất hiện nhiều trong thơ văn, dùng để chỉ một khoảng thời gian dài, nhiều biến cố. [10]
• Trong câu chuyện thứ hai của Thần Tiên truyện ghi chép trực tiếp về Ma Cô thì Ma Cô là người Thạnh Lạc và là con gái của Ma Thu 麻秋. Ma Thu tính tình hung bạo, lệnh dân chúng xây thành ngày đêm không cho nghỉ ngơi, làm mãi cho đến gà gáy sáng mới được nghỉ. Ma Cô thương trăm họ cực khổ, lúc đó thường giả tiếng gà gáy. Ma Cô vừa gáy, đàn gà cũng gáy theo, công việc xây thành cũng sớm được nghỉ. Ma Thu sau đó phát hiện đã nổi giận dùng roi mây xử phạt bà. Ma Cô trốn đi, đến Tiên Cô động tu luyện, về sau ở Bắc Thạch Kiều bay lên trời; dân chúng vì cảm nhớ bà gọi cây cầu là Vọng Tiên Kiều. [11]
Ngoài ra, cũng có thuyết cho rằng, Ma Cô vốn họ Lê, tự là Quỳnh Tiên, là cung nữ đời Đường được xuất cung, đã tu tiên đắc đạo tại một trong ba mươi sáu động của Đạo giáo.
Hình tượng của Ma Cô vốn từng rất phổ biến ở Việt Nam trước đây thông qua các đĩa sứ in hình tiên nữ bê đĩa đào, được gọi là Ma Cô hiến thọ đồ 麻姑献寿图. Việc vẽ Ma Cô hiến thọ để làm hình trang trí gốm sứ bắt đầu từ thời Khang Hy nhà Thanh, mô tả vị tiên nữ mặc xiêm y lộng lẫy, dáng vẻ thanh thoát, chân cưỡi mây, tay bê đĩa đào tiên hoặc rượu dâng mừng thọ Tây Vương Mẫu vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đi cùng với hình vẽ thường có thêm dòng chữ 麻姑献寿 (Ma Cô hiến thọ).

Hình ảnh Ma Cô tiên nữ bê trái đào trên đĩa sứ từng rất quen thuộc ở Việt Nam trước đây. Ảnh: mincang.net
3. Ma cô là một loại nấm
Theo cách hiểu này thì ma cô là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở chữ ghi là 蘑菰 [mó gū] được Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là: "một thứ nấm. Còn viết là 磨菇 hay 摩姑". [12]
Riêng từ cô 菰 [gū] trong tiếng Hán có hai nghĩa: 1. Rau cô, lúa cô [tức củ niễng / niềng niễng] 2. Cây nấm. [13]
Theo đó, Ma cô 蘑菰 là tên tiếng Hán gọi chung cho những loại nấm thuộc chi Agaricus - tên khoa học là Agaricus Campestris có mặt khá phổ biến trên thế giới. Loại nấm này được nhà thực vật học người Thụy Điển Carl Linnæus ghi nhận và đặt tên Agaricus Campestris vào năm 1753. Những loại nấm thuộc chi Agaricus gồm cả nấm lành và nấm độc, dễ bị nhầm lẫn.
Agaricus Campestris thường được gọi là cỏ đồng hoặc nấm cỏ tranh (field mushroom). Ảnh: Wikipedia
Chú thích
[1]. Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr. 606.
[2]. Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr. 874.

[3]. Viện ngôn ngữ học, Hồ Hải Thụy, Chu Khắc Thuật chủ biên. (2002). Từ điển Pháp Việt. NXB TP. Hồ Chí Minh. Tr. 1074.
[4]. Lê Văn Đức, sđd, tr. 897.
[7]. Vương Phương Bình (王方平) còn gọi là Vương Quân sống vào khoảng đời Ngụy - Tấn (220-420). Theo truyền thuyết Trung Quốc, Vương Phương Bình là người đã truyền Tố Thư 素書 (tức Thái Bình Kinh Phục Văn 太平經復文) cho Bạch Hòa (帛和) - người được xem là Tổ sư của Bạch Gia Đạo (帛家道) [một giáo phái xuất hiện vào thời kỳ ban đầu của Đạo giáo]
[8]. Đan sa (còn gọi là thần sa, chu sa) được xem là vị thuốc thượng phẩm trong Thần Nông bản thảo kinh 神農本草經 - một sách về thuốc nổi tiếng của Trung Quốc viết trong khoảng năm 200 - 250. Đan sa có công dụng an thai, trị tinh thần bất an, run sợ, mất ngủ, tim đập nhanh, v.v..
[10]. Điển cố "thương hải tang điền" (biển xanh ruộng dâu) trong Thái Bình ngự lãm 太平御覽 triều Tống còn có một truyền thuyết khác không liên quan đến Ma Cô mà nói về 3 vị lão nhân gặp nhau và kể cho nhau nghe về tuổi của mình. Trong đó, có một vị lão nhân nói rằng mỗi lần biển xanh biến thành ruộng dâu thì ông để một chiếc que để nhớ số và bây giờ (tức tính thời điểm ông kể) thì số que đã chất đầy một gian nhà. [Dẫn theo: Sơn Vân, dịch giả Võ Ngọc Châu. (1994). Thành ngữ điển cố Trung Hoa, tập 1. NXB Trẻ. Tr.20.]
[11]. Cát Hồng, Thần tiên truyện, Sđd, Tr.99.
[13]. Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Sđd, tr.688.
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé!
|