Hảo hán là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 05/09/2023

Hảo Hán là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Hảo Hán là danh từ dùng để chỉ người đàn ông dũng cảm có chí khí, trượng nghĩa, sẵn sàng ra tay bênh vực kẻ yếu.

 
Về từ nguyên, Hảo Hán là phiên âm Hán Việt của chữ 好漢 [Hǎo hàn]. Trong đó, Hảo (好) nghĩa là "tốt", "hay", "tài giỏi"; còn Hán (漢) là tục gọi đàn ông, con trai ở Trung Quốc bắt đầu từ thời Vũ Đế Tây Hán(1).

Lúc bấy giờ, Tây Hán đang ở thời kì thịnh trị, binh cường tướng mạnh nên quân Hung Nô thường gọi quân Hán là Hán nhi và/ hoặc hảo Hán.

Như vậy, ban đầu hảo Hán có nghĩa là "người Hán(2) (nam) tài giỏi". Về sau, hảo Hán thường đi kèm với nghĩa là một trang nam tử mạnh mẽ, đầu đội trời chân đạp đất và có chí khí anh hùng.

Tuy nhiên, không phải ai anh hùng cũng được gọi là Hảo Hán!

Chẳng hạn, trong Thủy Hử có thể có 108 vị anh hùng nhưng nhiều người cho rằng chỉ có 4 người thực sự xứng với cái danh Hảo Hán mà thôi. Đó là Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lư Tuấn Nghĩa, Thạch Tú. Những vị còn lại mặc dù là anh hùng nhưng vẫn thiếu đi bản chất cần có của một Hảo Hán, đó là tính cách hào sảng trượng nghĩa, thích bênh vực kẻ yếu, trọng tình trọng nghĩa.

 
Bất đáo Trường Thành phi hảo hán - Mao Trạch Đông
Bất đáo Trường Thành phi hảo hán - bút tích của Mao Trạch Đông ở Vạn Lý Trường Thành

Từ Hảo Hán cũng gắn liền với câu danh ngôn nổi tiếng được Cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đề tựa ở Vạn Lý Trường Thành đoạn gần thủ đô Bắc Kinh. Đó là câu: Bất đáo Trường Thành phi Hảo Hán (不到长城非好汉) có nghĩa là "người chưa đến (Vạn Lý) Trường Thành thì chưa phải là trang nam tử hán".

Câu danh ngôn này của Mao Trạch Đông cũng thường được các công ty du lịch "giải nghĩa" rộng ra là: đến Trung Quốc mà không tham quan Vạn Lý Trường Thành thì thật đáng tiếc và xem như chưa đến Trung Quốc vậy!

 

Trend Hảo Hán meme trên Facebook, Tiktok, v.v..


Vì Hảo Hán là một từ khá cổ nên ở thời hiện đại, người ta rất ít sử dụng từ Hảo Hán; nếu có dùng thì chủ yếu là trên màn ảnh với thể loại phim cổ trang mà thôi.

Tuy nhiên, trong thời gian qua ở Việt Nam, từ Hảo Hán nổi lên như một xu hướng (trend) gọi là Hảo Hán meme (hoặc meme Hảo Hán) được sử dụng với mục đích góp vui, mang lại tiếng cười là chính thông qua các bài đăng và bình luận 
trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, ... Người góp phần cho xu hướng Hảo Hán trở nên hot trên các mạng xã hội chính là "giang hồ mạng" Phú Lê với clip ngắn cùng câu nói: - Được, hảo hán, hảo hán!

Hảo Hán meme trên Facebook, Tiktok, ... thực chất dùng để chỉ những người có lời nói hoặc hành động mang lại bất ngờ cho người khác vì không ai nghĩ anh chàng đó hoặc cô nàng đó lại có thể nói hoặc hành động khó tin như vậy, dẫn đến tiếng cười cho mọi người.

Chẳng hạn như có anh chồng vốn sợ vợ, lúc nào cũng coi vợ là "nóc nhà" - tức vợ là người có quyền lực nhất trong nhà. Nhưng có một ngày, khi chị vợ muốn nhờ vả anh chồng làm một việc gì đó thì bất ngờ anh chồng bật lại với thái độ hùng hổ khiến chị vợ tròn mắt dẹt, kiểu như ông chồng "tới công chuyện" với chị ta. Và khi những đoạn clip kiểu như này (thường là diễn theo kịch bản) đăng lên Facebook hoặc Tiktok, cư dân mạng sẽ vào bình luận anh chồng là Hảo Hán (vì dám bật lại "nóc nhà").  

Hảo Hán meme chế
Gói mì Hảo Hảo được cư dân mạng chế thành meme Hảo Hán
 

Chú thích

(1) Hán Vũ Đế (chữ Hán: 汉武帝; 31 tháng 7, năm 156 TCN - 29 tháng 3, năm 87 TCN), tên thật là Lưu Triệt (劉徹), là vị hoàng đế thứ bảy của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là vua trị vì lâu nhất trong các vua nhà Hán và lâu nhất ở Trung Quốc từ sau đời Tần Chiêu Tương vương đến trước đời Khang Hy.

(2) Hiện nay, người
 Hán vẫn là dân tộc có số dân lớn nhất trong tổng số 56 dân tộc ở Trung Quốc, với tỷ lệ lên đến trên 90% tổng dân số toàn quốc. Vì vậy, người ta còn dùng từ Hán 漢 để chỉ người Trung Quốc nói chung.


Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc  
 

• Thành ngữ Trung Việt thông dụng không những giúp bạn đọc hiểu thêm những thành ngữ Trung Hoa mà còn là một cách học để nhớ lâu và nhanh nhất tiếng Hoa. 

• Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy  
khảo cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về các đặc điểm văn hóa Trung Quốc được biểu hiện qua tranh sơn thủy truyền thống, với chủ thể văn hóa là dân tộc Hán, trong không gian xã hội Trung Quốc, trục thời gian (chủ đạo là giai đoạn cổ – trung đại) kéo dài từ lúc tranh sơn thủy được hình thành đến cuối thời Thanh (1911). 

• Cẩm nang du lịch Trung Quốc  sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Trung Quốc với hàng loạt những thông tin thiết thực và gợi ý hữu ích từ các chuyên gia

Bình luận (0)