Động phòng hoa chúc là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 18/09/2023

Động phòng hoa chúc là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Động phòng hoa chúc là thành ngữ dùng để chỉ đêm tân hôn vợ chồng bắt đầu ăn ở với nhau sau đám cưới. 

 
Theo quan niệm của người Trung Hoa thời xưa, đêm "động phòng hoa chúc" là một trong tứ hỉ (tức bốn điều vui mừng). Vậy "động phòng hoa chúc" có nghĩa là gì? Tại sao đêm "động phòng" cũng đồng nghĩa là đêm tân hôn? Hãy cùng AtaBook tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của câu thành ngữ này trong bài viết dưới đây nhé.   
 

Nội dung chính


Tại sao gọi là "động phòng hoa chúc"?
   • "Động phòng" là gì?

   • "Hoa chúc" là gì?
Nguồn gốc của "động phòng hoa chúc"?
Tại sao "động phòng hoa chúc" có nghĩa là "đêm tân hôn"?

Động phòng hoa chúc
Động phòng hoa chúc còn gọi là đêm tân hôn. Ảnh: Baidu
 

Tại sao gọi là "động phòng hoa chúc"?

Về từ nguyên, "động phòng hoa chúc" là phiên âm Hán Việt của thành ngữ Trung Hoa  洞房花燭[dòngfáng huāzhú]. Đây là một cụm danh từ đẳng lập gồm hai thành tố: "động phòng" và "hoa chúc". 

Động phòng là gì?
 

Trong chữ "động phòng" 洞房 thì "động" (hoặc đỗnglà danh từ được Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng: "cái động (hang sâu)". [1]

"Động phòng" có nghĩa gốc là "phòng trong hang động", về sau được hiểu theo nghĩa mở rộng là "cái phòng của vợ chồng mới cưới." [2]

Hoa chúc là gì?


"Hoa chúc" 花燭 có nghĩa ban đầu là "đuốc hoa", về sau mở rộng thêm nghĩa "nến hoadùng để chỉ cặp nến thắp trong phòng của vợ chồng mới cưới đêm tân hôn.

Xưa kia ở Trung Hoa, người ta thường dùng cỏ khô hoặc nứa kết lại thành bó rồi đốt sáng để đi chơi đêm. Bó đuốc chưa đốt gọi là tiều ; đuốc đốt lên cầm tay gọi là chúc 燭; đuốc lớn đóng cọc xuống đất mà đốt gọi là đình liệu 庭燎. [3]

Chữ chúc 燭 xuất hiện khá nhiều trong văn thơ xưa. Chẳng hạn, trong bài "Sinh niên bất mãn bách" (生年不滿百 - Đời người chẳng được trăm năm) của Cổ thi 古詩 có câu:

"Trú đoản khổ dạ trường
Hà bất bỉnh chúc du
?"

 

晝短苦夜長,
何不秉燭遊!


Dịch thơ:

Ngày ngắn đêm dài khổ
Sao chẳng rước đuốc chơi
[4] 


Thi hào Lý Bạch (701-762) cũng nói về tục rước đuốc chơi đêm của người Trung Hoa xưa trong bài tự "Xuân dạ yến đào lý viên" (春夜宴桃李園序 - Đêm xuân uống rượu trong vườn đào mận) như sau:
 
"Cổ nhân bỉnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã".

古人秉燭夜遊,良有以也。

Dịch nghĩa:

Người xưa cầm đuốc chơi đêm, thật là có lý. 

Về loại đuốc lớn đình liệu 庭燎, hồi thứ 33 trong Đông Chu Liệt Quốc của Phùng Mộng Long có ghi lại loại đuốc này khi Tống Tương Công họp bàn với các vua chư hầu như sau:
 
"Đầu trống canh năm [5] hôm ấy ở trên đàn có đốt các cây đình liệu sáng rực như ban ngày. Tống Tương công đến trước để đợi các vua chư hầu". [6]

Tục lệ ở Trung Hoa trước kia rước dâu vào lúc xẩm tối nên hình ảnh bó đuốc thường gắn liền với việc đưa dâu.

Trong Truyện Kiều, khi tả quan Phủ truyền tổ chức lễ thành hôn cho Thúy Kiều và Thúc Sinh, Nguyễn Du đã viết:
 

Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng ruổi sao [7] 


tức là đốt đuốc để đi mau trong đêm dưới trời đầy sao.

Đến thời Tống, "hoa chúc" vừa là "đuốc hoa", lại vừa là "nến sáp hoa". [8] 

Sách Mộng lương lục đời Tống chép: 
"Cô dâu xuống xe, mấy con hát cầm đuốc làm hình cánh hoa sen đi trước đưa đường". [9]

Còn sách Quy điền lục của Âu Dương Tu [10] đời Bắc Tống thì chép: "Ở Ðặng Châu có thứ hoa lạp chúc (thứ nến làm bằng sáp hoa) nổi tiếng thiên hạ, ngay kinh đô cũng không chế nổi". [11]

Điều chắc chắn là từ thời cận kim, người Tàu bên Trung Hoa đều hiểu "chúc" là "nến", chứ không còn hiểu là "đuốc" như thời cổ. Và từ cái nghĩa là "đuốc hoa", "hoa chúc" dần dần biến nghĩa thành "nến hoa", "đèn hoa". [12]


Nguồn gốc của "động phòng hoa chúc"

Nguồn gốc của "động phòng hoa chúc" không rõ ràng, nhưng tựu trung liên quan đến hai điển cố sau đây:

• Điển cố thứ nhất bắt nguồn từ câu chuyện tình thời nhà Tần (221 TCN - 206 TCN) của Tam cô nương và chàng Nho sinh Thẩm Bác.

Tương truyền khi xây dựng xong một phần cung A Phòng, Tần Thủy Hoàng đã cho bức tuyển hàng vạn mỹ nữ trong thiên hạ để đưa vào đây. Tam cô nương [13] là một cô gái xinh đẹp trong số hàng vạn mỹ nữ đó. Vì không chịu nổi cảnh tù hãm, nhục nhã nên cô đã bỏ trốn khỏi cung, chạy đến núi Hoa Sơn. Tại đây, cô đã gặp chàng nho sinh tên là Thẩm Bác. Hai người phải lòng nhau và kết tóc se duyên. Nhưng vì không có nhà cửa và chốn nương thân nên họ đã dùng hang động dưới ngọn núi làm nơi ở mới, sống bên nhau. Đêm đầu tiên ăn ở với nhau cũng ở cái hang động ấy. Vì bên trong hang động tối nên Thẩm Bác đã chất cây để đốt cho sáng. Về sau, người ta gọi chỗ ở mới của họ là động phòng (洞房). 

• Điển cố thứ hai bắt nguồn từ câu chuyện tình của vua Nghiêu - một vị vua huyền thoại của Trung Quốc thời cổ đại. 

Tương truyền vua Nghiêu trong một lần thân hành đến thăm nơi ở của những người dân chăn nuôi gia súc thì vô tình gặp được Lộc Tiên Nữ (Nàng tiên hươu). Sau khi trở về cung, vua ngày đêm nhớ mong Tiên Nữ nên đã cùng bốn vị đại thần đi khắp nơi dò hỏi nơi ở của nàng.

Khi đến vùng “Tiên Động Câu” ở Tấn Nam, bỗng nhiên vua thấy một con hươu xinh đẹp từ động Cô Xạ thong thả đi đến. Đoán là Lộc Tiên Nữ, vua Nghiêu bèn lên trước nghênh đón. Nhưng đúng lúc tiếp kiến thì có một con rắn lớn bỗng nhiên xuất hiện uy hiếp vua khiến ông trở tay không kịp. Nhưng Lộc Tiên Nữ đã ở ngay trước mặt vua và chỉ tay vào con mãng xà, nó cúi đầu run rẩy, sợ hãi mà trườn đi mất.

Hai người vừa gặp đã say mê nhau. Họ hoàn hôn tại động tiên Cô Xạ. Đến xẩm tối, một đám lửa thần bỗng nhiên rơi xuống đỉnh động, ánh sáng rực rỡ chói mắt. Từ đó về sau, dân gian gọi phòng của cô dâu là động phòng, đồng thời gọi đêm tân hôn là đêm động phòng hoa chúc

Như vậy, "động phòng" (洞房) nghĩa là "phòng trong hang động", hoàn toàn phù hợp với điểm giống nhau của hai điển cố trên là đêm ăn ở đầu tiên của vợ chồng (Thẩm Bác - Tam cô nương hoặc vua Nghiêu - Lộc Tiên Nữ) diễn ra ở trong hang động.

Sau này "động phòng" được hiểu thành "phòng cưới", tức là phòng của đêm tân hôn để vợ chồng ăn ngủ với nhau lần đầu tiên sau đám cưới.

 
 

Tại sao "động phòng hoa chúc" có nghĩa là đêm tân hôn? 


Sở dĩ động phòng hoa chúc 洞房花燭 có nghĩa là đêm tân hôn chính là xuất xứ từ hai câu thơ trong bài Phụng Hòa Vịnh Vũ Thi  奉和詠舞 của Dũ Tín 庾信 sống vào thời Nam - Bắc Triều Trung Quốc (420 - 589):


Động phòng hoa chúc minh 
Yên dư song vũ khinh  

洞房花烛明,
燕余双舞轻。 

Nghĩa là: 

Phòng sâu đuốc hoa sáng 
Ðôi én múa dịu dàng. [14]

Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã dùng từ đuốc hoa để dịch sát nghĩa từ "hoa chúc" khi tả lại đêm ân ái đầu tiên giữa Thúy Kiều và Mã Giám Sinh cũng như hành động lỗ mãng của tên súc sinh họ Mã:

Tiếc thay một đóa trà mi 
Con ong đã tỏ đường đi lối về 
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương
Đêm xuân một giấc mơ màng 
Đuốc hoa để đó mặc nàng còn trơ. [15]

Theo quan niệm của người Trung Hoa thời xưa, đêm "động phòng hoa chúc" là một trong bốn niềm vui mừng (tứ hỉ). Sách Ấu Học Ngũ Ngôn Thi 幼學五言詩 [16] có chép lại như sau:

"Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Ðộng phòng hoa chúc dạ

Kim bảng quải danh thì"

久旱逢甘露
他鄉遇故知

洞房花燭夜
金榜掛名時

Dịch thơ:

Nắng hạn gặp mưa rào
Xa quê gặp bạn cũ
Động phòng đêm hoa chúc

Bảng vàng thi đỗ cao.

Động phòng hoa chúc
Hoa chúc dùng để chỉ cặp nến trong đêm động phòng. Ảnh: Sohu 

Theo cổ tục hôn lễ Trung Hoa, đêm động phòng, cặp nến thắp ở trong phòng của đôi tân lang tân nương (tức hoa chúc) phải giữ làm sao được cháy sáng song hành với nhau, tức là cùng thắp sáng và cùng tàn lụi một lần. Có như thế thì vợ chồng mới bách niên giai lão, không phải sống cảnh người chết trước kẻ chết sau. Ngoài ra, sáp đèn cầy cũng không được tan chảy dễ dàng nhễu xuống như những giọt buồn bã phân ly.
 

Chú thích 

[1]. Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 409.

[2]. Đào Duy Anh. (2005). Hán Việt từ điển giản yếu. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 251, 252.

[3]. Lê Văn Hòe. (1956). Truyện Kiều chú giải. Sài Gòn, NXB Ziên Hồng. Tr. 200.

[4]. Cổ thi 古詩 - tên đầy đủ là Cổ thi thập cửu thủ 古詩十九首, gồm 19 bài thơ ngũ ngôn khuyết danh xuất hiện cuối đời Đông Hán (Trung Quốc) được sáng tác theo phong cách thơ Lý Lăng và Tô Vũ. Nội dung đa phần là cảnh khuê phụ, du tử, chia ly,… phản ánh những biến loạn trong xã hội thời đó. 
 
[5]. Người xưa chia một đêm thành năm canh, mỗi canh ứng với hai giờ đồng hồ, bắt đầu từ 7 giờ tối. Canh năm ứng với thời gian từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng (giờ Dần).

[6]. Phùng Mộng Long, dịch giả Nguyễn Đỗ Mục. (2014). Đông Chu Liệt Quốc. NXB Văn Học. Bản eBook. Tr. 436.

[7]. Nguyễn Du, hiệu khảo: Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim. (1999). Truyện Kiều. NXB Văn Học. Câu 1465 đến 1466. 

[8], [9], [11], [12]. Dẫn theo: Lê Văn Hòe. (1956). Truyện Kiều chú giải. Sài Gòn, NXB Ziên Hồng. Tr. 200. 
 
[10]. Âu Dương Tu (歐陽修) sinh năm 1007, mất năm 1072, có tên tự là Vĩnh Thúc hiệu "Tuý Ông" là nhà thơ thời Tống ở Trung Quốc. Quê Âu Dương Tu ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Năm 1030 đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông làm Binh bộ Thượng Thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung. Âu Dương Tu là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm Từ xuất sắc. Ông là người khai sáng ra thể loại "thi thoại" (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân,...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Tuý Ông đình kí, Mai Thánh Du thi tập tự, Thu thanh phú, Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với 6 cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).

[13]. Do không rõ họ tên của cô gái này mà chỉ biết cô là con thứ ba nên người đời gọi cô là Tam cô nương.

[14]. Trong quyển 
Truyện Kiều chú giải (sđd, tr.201) của Lê Văn Hòe thì hai câu thơ đó được ghi là:

"Ðộng phòng hoa chúc minh
Vũ dư ong yên khinh"

Nghĩa là:

Phòng sâu đuốc hoa sáng trưng
Múa xong đôi én nhẹ nhàng. 

[15]Nguyễn Du, hiệu khảo: Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Truyện Kiều, Sđd, câu 845 đến 850.

[16]. u hc ngũ ngôn thi là mt trong nhng cun sách hc ca hc trò nhVit Nam ngày xưa. Cùng với Tam tkinh, Bách gia tính, Thiên tự vănbất kỳ ai đã theo nghiệp học “chi, hồ, giả, dã” hầu như đều thuộc nằm lòng những câu thơ nằm trong những cuốn sách này.


Thư mục
• Đào Duy Anh. (2005). Hán Việt từ điển giản yếu. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Baidu.hk | 洞房花燭夜

• Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Nguyễn Du, hiệu khảo: Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim. (1999). Truyện Kiều. NXB Văn Học.

• Lê Văn Hòe. (1956). Truyện Kiều chú giải. Sài Gòn, NXB Ziên Hồng.

• Phùng Mộng Long, dịch giả Nguyễn Đỗ Mục. (2014). Đông Chu Liệt Quốc. NXB Văn Học. Bản eBook. 

• Sogu.com | 洞房花烛 

• zh.wikisource.org | 奉和詠舞 (庾信)


Sách hay chọn lọc tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc


Thành ngữ Trung Việt thông dụngThành ngữ Trung Việt thông dụng
NXB Dân Trí, 2019
Mua sách

Lịch sử tư tưởng Trung QuốcLịch sử tư tưởng Trung Quốc
NXB Thế Giới, 2022
Mua sách  

Lễ tết Trung QuốcLễ Tết Trung Quốc
NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2012
Mua sách  
Cẩm nang du lịch Trung QuốcCẩm nang du lịch Trung Quốc
NXB Dân Trí, 2018
Mua sách  


Trung Hoa sử cươngTrung Hoa sử cương
NXB Quan Hải Tùng Thư, 1942
Tải sách  



 
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)