Đàn gảy tai trâu là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 08/11/2022

Đàn gảy tai trâu là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn


Đàn gảy tai trâu nghĩa đen là gảy đàn cho trâu nghe thì trâu sẽ chẳng hiểu gì; nghĩa bóng ví việc đem lời lẽ cao siêu nói với người ngốc.


Ngoài ra, câu thành ngữ này cũng dùng để chê ai đó khi nói chuyện không biết nhìn đối tượng; đồng thời cũng ám chỉ việc thuyết giảng đạo lý với một người ngang ngạnh, nói mãi không chịu nghe.
 
Đàn gãy tai trâu
Đàn gảy tai trâu nghĩa bóng ví việc đem lời lẽ cao siêu nói với người ngốc. Ảnh: Shenyunperformingarts
 

Nguồn gốc và ý nghĩa của thành ngữ Đàn gảy tai trâu


Về từ nguyên, đàn gảy tai trâu xuất xứ từ thành ngữ Trung Quốc là đối ngưu đàn cầm 对牛弹琴 [duì niú tán qín], bắt nguồn từ một câu chuyện được kể trong Hoằng Minh tập (弘明集) do ngài Tăng Hựu (僧祐) biên soạn vào đời nhà Lương thuộc Nam triều. 

Chuyện rằng thời Xuân Thu (春秋時代), học trò của Khổng Tử (孔子) là nhạc sư Công Minh Nghi (公明仪) chơi đàn rất xuất sắc. Một ngày nọ, ông mang đàn dạo chơi ngoài thành. Phong cảnh tươi đẹp khiến ông tức cảnh sinh tình dạo lên một bản đàn. Nhưng rồi ông cảm thấy không có hứng vì không có ai thưởng thức.

Nhìn xung quanh, ông thấy một con trâu gặm cỏ gần đó và tự nghĩ: Ta sẽ đánh đàn cho trâu nghe
. Nghĩ là làm, ông liền ngồi bên cạnh trâu và bắt đầu gảy lên khúc nhạc cao nhã tên là Thanh Giác Chi Tao (清角之操). Tiếng đàn của Công Minh Nghi rất hay, nhưng đàn một lúc ông thấy con trâu vẫn bình thản gặm cỏ khiến ông rất bực.

Không cam tâm, ông tiếp tục đàn đến mỏi nhừ cả tay nhưng con trâu vẫn chỉ mải mê với đám cỏ non. Công Minh Nghi buông đàn khi nhận ra đàn cho trâu nghe chỉ uổng phí uổng sức mà thôi.

Ông buồn rầu đứng lên định ra về thì vô ý đụng phải dây đàn khiến nó phát ra tiếng, hơi giống tiếng kêu của con nghé. Không ngờ con trâu ngừng ăn cỏ và nhìn xung quanh. Khi thấy không có gì, nó lại tiếp tục mải mê với đám cỏ của mình.

Lúc này trông thấy, Công Minh Nghi buông lời cảm thán: Không phải con trâu ngu mà là mình ngu, đàn mà không phân biệt được đối tượng nghe. Đối với loài vật có khả năng cảm thụ âm nhạc kém như trâu thì thứ âm thanh tốt nhất đối với nó là tiếng kêu của đồng loại chứ nó làm sao biết thưởng thức những bản nhạc cao nhã.

 
Đến cuối thời Đông Hán (東漢), nhà Phật học nổi tiếng Mâu Tử (牟子) đã kể lại câu chuyện này cho các học trò Nho gia sau khi dùng những triết lí cao siêu để giảng Kinh Phật mà họ cứ ngơ ngác. Từ đó đàn gảy tai trâu trở thành một câu thành ngữ, được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ thành ngữ đàn gảy tai trâu có nghĩa là gì, nguồn gốc và ý nghĩa của thành ngữ đàn gảy trai trâu. Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc xem thêm những bài viết khác có trên Atabook.com.

 
 

Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc  
 

• Thành ngữ Trung Việt thông dụng không những giúp bạn đọc hiểu thêm những thành ngữ Trung Hoa mà còn là một cách học để nhớ lâu và nhanh nhất tiếng Hoa. 

• Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy  
khảo cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về các đặc điểm văn hóa Trung Quốc được biểu hiện qua tranh sơn thủy truyền thống, với chủ thể văn hóa là dân tộc Hán, trong không gian xã hội Trung Quốc, trục thời gian (chủ đạo là giai đoạn cổ – trung đại) kéo dài từ lúc tranh sơn thủy được hình thành đến cuối thời Thanh (1911). 

• Cẩm nang du lịch Trung Quốc  sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Trung Quốc với hàng loạt những thông tin thiết thực và gợi ý hữu ích từ các chuyên gia.

Bình luận (0)