Con gái rượu là gì? Tại sao gọi là con gái rượu | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 11/03/2023

Con gái rượu là gì? Tại sao lại gọi là con gái rượu?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

 

Con gái rượu là khẩu ngữ thường được các ông bố dùng để nói về con gái cưng của mình. 


Con gái rượu là gì
Con gái rượu là biến thể của nữ nhi tửu (女儿酒) trong tiếng Hán. Ảnh: meijiu.com

Về từ nguyên, khẩu ngữ con gái rượu là một từ Việt gốc Hán, được dịch sát từ nghĩa gốc của chữ 女儿酒 [nǚ ér jiǔ] có âm Hán Việt là nữ nhi tửuĐây là một từ mượn theo hình thức dịch vay mượn đặc biệt (a special kind of borrowing), tức là toàn bộ đơn vị cú pháp của từ đó được vay mượn, sau đó các thành phần riêng lẻ của nó được dịch sát nghĩa. Ở trường hợp này, nữ nhi 女儿 có nghĩa là con gái, tửu  có nghĩa là rượu. Theo đó, nữ nhi tửu = con gái rượu(1).

Sách Nam Phương thảo mộc trạng (南方草木状) do Kê Hàm (嵇含) viết vào năm 304 có chép lại rằng "nữ nhi tửu là loại rượu phải có ở những nhà giàu có sinh con gái, hoặc gả con gái".

Trong Lịch sử Việt Nam tập 1 (NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983) cũng ghi lại nội dung của Nam Phương Thảo Mộc Trạng chép về tập tục này như sau: "người Nam có con gái lớn vài tuổi đã bắt đầu nấu lọc rượu, đựng trong bình hủ kín, đem chôn ở bờ ao. Khi con gái sắp lấy chồng, người ta mới đào ao lấy rượu lên đãi khách, gọi là rượu con gái (tức nữ tửu), vị rất đằm và ngon".  
 

Tại sao gọi là con gái rượu?


Nguồn gốc của chữ 女儿酒 (nữ nhi tửu) trong tiếng Hán thường được giải thích theo từ nguyên dân gian, bắt nguồn ở một số câu chuyện được truyền miệng trong dân gian Trung Quốc, cụ thể là ở vùng Thiệu Hưng(2) thuộc tỉnh Chiết Giang - nơi sản xuất rượu nổi tiếng của Trung Quốc.

Dưới đây là hai trong số những câu chuyện dân gian đó.

Câu chuyện thứ nhất:

Ở vùng Thiệu Hưng xưa kia có một vị viên ngoại(3) hiếm muộn, rất mong mỏi có con nối dõi. Sau nhiều nỗ lực chạy chữa khắp nơi, cuối cùng vị viên ngoại cũng toại nguyện khi vợ có thai. Ông vui mừng thông báo khắp nơi, đồng thời ủ trước hơn hai mươi vò rượu, đợi sau này khi em bé ra đời tròn một tháng tuổi sẽ thết đãi bà con, bè bạn.

Rồi vợ của vị viên ngoại cũng hạ sinh một bé gái kháu khỉnh. Sau bữa tiệc xuống tóc chiêu đãi khách theo tập tục của địa phương khi em bé tròn một tháng tuổi(4)
, vị viên ngoại đã đếm lại những vò rượu chưa mở nắp, bỏ đi thì tiếc nên ông đã đem chôn dưới cây hoa mộc.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô con gái càng lớn càng thông minh, xinh đẹp. Mười tám năm sau, khi cô con gái tới tuổi cập kê, vị viên ngoại đã gả con gái cho con của một vị ân nhân.

Vào ngày cưới của con gái, đang lúc chủ khách uống rượu vui vẻ, rượu đã dần cạn mà vẫn chưa thỏa, vị viên ngoại sực nhớ đến những vò rượu đã chôn dưới gốc cây hoa mộc năm xưa. Ông bèn cho đào lên đãi khách.

Thật kỳ diệu là những vò rượu này tỏa ra hương thơm ngào ngạt, màu sắc óng ánh, vị nồng, uống rất ngon khiến ai nấy đều tranh nhau thưởng thức. Trên bàn tiệc, một vị thi nhân đã ứng khẩu thành thơ:

地埋女儿红
闺阁出仙童

Địa mai nữ nhi hồng 
Khuê các xuất tiên đồng 


Hai câu thơ khiến tất cả những ai có mặt ở buổi tiệc đều vỗ tay tán thưởng khen hay. Thế là sau đó mọi người đều gọi rượu này là rượu nữ nhi hồng (女儿红) hay nữ nhi tửu (女儿酒)

Con gái rượu
Con gái rượu bắt nguồn từ câu chuyện dân gian ở vùng Thiệu Hưng (Trung Quốc). 
 
Câu chuyện thứ hai:

Cũng ở vùng Thiệu Hưng xưa kia có vợ chồng người thợ may. Khi người vợ có thai, người chồng đã rất mừng rõ và mong mỏi ngày đêm vợ sẽ sinh ra một bé trai để nối dõi tông đường. Gần đến ngày vợ sắp khai hoa nở nhụy, người chồng đã nấu sẵn rượu để thết đãi họ hàng người thân và bạn bè khi đón con trai chào đời. 

Nhưng rồi kết quả là người vợ đã sinh con gái chứ không phải là đứa con trai mà người chồng vẫn mong mỏi bấy lâu nay. Ông đã rất giận dữ và quyết định không tổ chức tiệc rượu ăn mừng. Số rượu nấu sẵn trước đó bị ông đem chôn ngay gốc cây quế trước sân nhà. 

Cô con gái lớn lên từng ngày, xinh đẹp, thông minh, tay nghề thêu thùa rất giỏi. Công việc làm ăn của gia đình vợ chồng người thợ may cũng ngày càng khấm khá và người thợ may rất cưng chiều cô con gái của mình. 

Đến năm cô con gái mười tám tuổi, người thợ may quyết định gả cô cho người học trò ưu tú nhất của mình. Vào thời đó, khi con gái kết hôn, gia đình sẽ mở tiệc rượu lớn. Người thợ may chợt nhớ ra mười tám năm trước, ông đã chôn vài vò rượu dưới gốc cây quế trước nhà. Ông đã đào rượu lên, mở ra ngửi thấy mùi thơm phức và 
lúc này rượu đã ngả sang màu hổ phách. Trong buổi tiệc rượu ngày cưới của cô con gái người thợ may, ai cũng tấm tắc khen rượu ngon. 

Vốn là vùng sản xuất rượu nổi tiếng, người dân Thiệu Hưng từ đó về sau bắt đầu học theo cách của vị viên ngoại nọ (hoặc của người thợ may nọ theo câu chuyện thứ hai), lúc sinh con gái thì ủ rượu chôn dưới đất, khi gả con thì đào lên đãi khách, dần dà trở thành tập tục "sinh nữ tất nhưỡng nữ nhi tửu, giá nữ tất ẩm nữ nhi hồng" (生女必酿女儿酒,嫁女必饮女儿红 - tức là sinh con gái thì ủ nữ nhi tửu, gả con gái thì uống nữ nhi hồng).

Sau này, không giới hạn ở rượu nữ nhi hồng (khi sinh con gái); nếu gia đình sinh con trai, người ta cũng ủ và chôn rượu xuống đất, đợi đến lúc con đỗ trạng nguyên sẽ đào lên uống mừng, gọi là trạng nguyên hồng (状元红).

Cả hai loại rượu nữ nhi hồng và trạng nguyên hồng hiện nay đều là rượu quý nổi tiếng của Thiệu Hưng, được cất giữ lâu năm, uống rất thơm ngon nên chủ yếu dùng làm quà quý để biếu tặng.


Rượu nữ nhi hồng và trạng nguyên hồng
Rượu Nữ nhi hồng và Trạng nguyên hồng là đặc sản nổi tiếng của vùng Thiệu Hưng (Trung Quốc)

Hiện nay, các ông bố thường gọi con gái cưng của mình là con gái rượu chính là xuất phát từ tập tục trên.  

Chú thích

(1) Trường hợp là nữ tửu thì lại thường được dịch là rượu con gái

(2) Thiệu Hưng là thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Thượng Ngu là một quận thuộc Thiệu Hưng cũng là quê hương của Kê Hàm - tác giả Nam Phương Thảo Mộc Trạng - tài liệu đầu tiên đề cập đến nữ nhi tửu.

(3) Viên ngoại nguyên là một chức quan gọi là viên ngoại lang (). Đời Đường bên Trung Quốc bổ nhiệm đến mấy nghìn chức viên ngoại lang một lúc, trong đó nhiều người bỏ tiền ra chạy chọt cũng được. Vì nhiều viên ngoại quá nên về sau viên ngoại dùng làm tiếng gọi các nhà giàu, phú hào. 


(4) Một kiểu cúng đầy tháng ở Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1. 
嵇含 (Kê Hàm) - 南方草木状 Nam Phương Thảo Mộc Trạng (chữ Hán).

2. meijiu.com - 女儿红是什么酒?女儿红名字的由来是什么

3. 
Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh - Lịch sử Việt Nam (tập 1), NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội 1983.


 

Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc

• Thành ngữ Trung Việt thông dụng vừa giúp hiểu thêm thành ngữ Trung Hoa vừa là một cách học để nhớ lâu và nhanh nhất tiếng Hoa. 

• Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy khảo cứu một cách chuyên sâu về các đặc điểm văn hóa Trung Quốc được biểu hiện qua tranh sơn thủy truyền thống, kéo dài từ lúc tranh sơn thủy được hình thành đến cuối thời Thanh (1911). 

• Cẩm nang du lịch Trung Quốc với hàng loạt thông tin thiết thực và hữu ích giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi đi du lịch Trung Quốc.

Bình luận (0)