Chim sa cá lặn là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 16/09/2023

Chim sa cá lặn là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Chim sa cá lặn là thành ngữ dùng để chỉ người đàn bà rất đẹp đến nỗi chim mải ngắm nhìn quên bay nên rớt, cá thấy phải lặn. 

 

Về từ nguyên, đây là một hình thức đảo ngữ từ thành ngữ Trung Quốc với câu gốc đầy đủ là: "Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa" - 沉魚落雁, 閉月羞花 (tức cá lặn chim sa, nguyệt thẹn hoa hờn). 

Giống như câu chim sa cá lặn được sách Thông Tục biên giảng rằng người đàn bà đẹp đến đỗi chim thấy phải sa, mà cá thấy phải lặn [1]; câu hoa hờn nguyệt thẹn cũng được hiểu là chỉ người phụ nữ đẹp đến nỗi hoa phải hờn vì kém sắc, trăng phải thẹn vì kém tươi. 

Ngoài ra, các câu "chim sa cá lặn thì đừng có ăn",  "chim sa cá nhảy" - những hình thức phái sinh của thành ngữ "chim sa cá lặn" còn được hiểu theo mê tín ám chỉ điềm chẳng lành, điều xấu. [2]  


Nguồn gốc của thành ngữ "Chim sa cá lặn" (Lạc nhạn trầm ngư)


Nguồn gốc của câu Chim sa cá lặn bắt nguồn từ sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Cụ thể, trong phần Tề vật luận 齐物论 (Mọi vật ngang nhau) của cuốn sách này, Trang Tử viết: 
 

"Nàng Mao Tường [3] và nàng Lệ Cơ [4] được mọi người khen là đẹp, vậy mà thấy họ tới là cá lặn sâu, chim bay cao ..." [5] [6]  


Ý Trang Tử muốn nói rằng cái đẹp của con người đối với nhận thức của động vật là vô nghĩa. Mao Tường, Lệ Cơ tuy đẹp, song chỉ đẹp đối với người, chứ biết đâu trông thấy họ thì cá chẳng sợ mà lặn sâu, chim chẳng sợ mà bay cao? 

Như vậy, ý nghĩa ban đầu của thành ngữ chim sa cá lặn không phải là cách nói ngoa dụ như chúng ta vẫn hiểu lâu nay là "cực tả vẻ đẹp của người con gái có nhan sắc tuyệt vời (đến nỗi cá bị quyến rũ, không muốn bơi xa, chim nhạn trông thấy cũng ngẩn ngơ, sà xuống chiêm ngưỡng". [7]

 

Chim sa cá lặn và tứ đại mỹ nhân Trung Quốc 


Như trên đã nói, chim sa cá lặn (trầm ngư lạc nhạn) ban đầu được Trang Tử dùng hình ảnh của nàng Mao Tường và Lệ Cơ để ví việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con người đối với động vật chỉ là vô nghĩa. Về sau, qua thi ca, trầm ngư lạc nhạn mới dần dùng để chỉ người đẹp và sau cùng, trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa trở thành thành ngữ nổi tiếng để mô tả tứ đại mỹ nhân Trung Quốc

Vậy tứ đại mỹ nhân Trung Quốc gồm những ai trong thành ngữ chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn?  

Thật ra, thứ tự trong câu thành ngữ trên phải là: Cá lặn chim sa, nguyệt thẹn hoa nhường. Cụ thể như sau: 

西施沉魚- Tây Thi trầm ngư
昭君落雁- Chiêu Quân lạc nhạn
貂嬋閉月- Điêu Thuyền bế nguyệt
貴妃羞花- Quý Phi tu hoa   


Tây Thi khi ra suối giặt lụa thì lũ cá thấy nàng đẹp quá nên chìm cả xuống đáy khe, gọi là trầm ngư 沉魚.  

Vương Chiêu Quân trên đường cống Hồ, khi ra khỏi Nhạn Môn Quan, lũ nhạn thấy nàng đẹp quá bay không nổi đều sa cả xuống bãi cát, gọi là Bình Sa Lạc Nhạn 平沙落雁.  

Điêu Thuyền đẹp đến nỗi ra sân cúng trăng, trăng trông thấy phải mắc cỡ mà trốn vào trong mây gọi là bế nguyệt 閉月 [8] 

Dương Quý Phi khi ra vườn thượng uyển ngắm hoa, thì hoa thấy mình đẹp không bằng đều thẹn thùng mà rủ cả xuống gọi là tu hoa 羞花. 

Cũng cần thấy rằng thành ngữ này mang tính văn chương nhiều hơn là tính khẩu ngữ. Nó đặc biệt được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mượn ý thành ngữ trên để tả vẻ đẹp của nàng cung phi trong Cung Oán Ngâm Khúc:   
 

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, 
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa. [9]
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình!

Chú thích

[1]. Dẫn theo: Diên Hương. (1949). Thành ngữ điển tích, quyển thượng. Sài Gòn: Nhà in Sao Mai. Tr.224.

[2] Vũ Dung chủ biên. (2000). Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr.136.

[3], [4]. Theo Nguyễn Hiến Lê thì hai nhân vật này không có thật, có lẽ do Trang Tử tưởng tượng ra mà thôi.

[5]. Nguyên văn: 毛嫱丽姬,人之所美也,鱼见之深入,鸟见之高飞(Mao Tường, Lệ Cơ, nhân chi sở mỹ dã, ngư kiếm chi thâm nhập thâm, điểu kiến chi cao phi). 

[6]. Nguyễn Hiến Lê. (1994). Trang Tử Nam Hoa Kinh. NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr.171.

[7] Vũ Dung chủ biên, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Sđd, tr.136.

[8]Bế nguyên nghĩa là 
"đóng, khép, che, đậy lại" nhưng trong câu này thì bế nguyệt nghĩa là "trăng trốn vào trong mây". 

[9]. Có bản chép là "Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa"

 
Thư mục

• Vũ Dung chủ biên. (2000). Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Diên Hương. (1949). Thành ngữ điển tích. Sài Gòn: Nhà in Sao Mai. 

 Nguyễn Hiến Lê. (1994). Trang Tử Nam Hoa Kinh. NXB Văn Hóa Thông Tin.

 Nguyễn Gia Thiều, dịch giả Edmon Nordemann (Ngô Đê Mân). Cung oán ngâm khúc. Huế, 1905.  


Sách hay chọn lọc tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc


Thành ngữ Trung Việt thông dụngThành ngữ Trung Việt thông dụng
NXB Dân Trí, 2019
Mua sách

Lịch sử tư tưởng Trung QuốcLịch sử tư tưởng Trung Quốc
NXB Thế Giới, 2022
Mua sách  

Lễ tết Trung QuốcLễ Tết Trung Quốc
NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2012
Mua sách  
Cẩm nang du lịch Trung QuốcCẩm nang du lịch Trung Quốc
NXB Dân Trí, 2018
Mua sách  


Trung Hoa sử cươngTrung Hoa sử cương
NXB Quan Hải Tùng Thư, 1942
Tải sách  


 
 
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)