Ba Tàu là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 28/11/2023

Ba Tàu là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Ba Tàu là cách gọi thiếu thiện cảm của người Việt đối với người Hoa ở Việt Nam.


Người Hoa đã di cư sang Việt Nam và hòa nhập vào người Việt từ lâu đời, trở thành một thành phần trong cộng đồng 54 dân tộc của Việt Nam. Mặc dù vậy, người Việt vẫn hay gọi người Hoa là Ba Tàu, Minh Hương, Khách. v.v.. Hãy cùng AtaBook tìm hiểu lý do tại sao người Việt lại gọi người Hoa như thế trong bài viết dưới đây.
 
Nội dung chính


Một gia đình người Hoa ở Lào Cai. Ảnh: Wikipedia 


Tóm tắt quá trình di cư của người Hoa vào Việt Nam

Do yếu tố địa chính trị (geopolitics), người Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam từ khá sớm so với các nước trong khu vực. Theo các thư tịch cổ, những di dân Trung Quốc - chủ yếu đến từ các tỉnh phía Nam của nước này như Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, v.v., đã bắt đầu vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc (thế kỷ III trước công nguyên). [1]

Thông thường, cứ sau mỗi cuộc nội chiến ở trong nước thì việc di cư của người Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, lại diễn ra phổ biến hơn với mục đích tị nạn để tránh chiến tranh hoặc do phản loạn nên buộc phải di tản để tránh sự thanh trừng của triều đại mới, v.v.. Đó là các thời kỳ cuối Đường - đầu Tống (960 - 1279), cuối Tống - đầu Nguyên (1279 - 1368), cuối Nguyên - đầu Minh (1368 - 1644), cuối Minh - đầu Thanh (1644 - 1911). [2] 

Ngoài ra, vào đầu thế kỷ XVI, những đợt cấm đạo và triệt đạo ở Trung Quốc khiến nhiều người Hoa theo đạo công giáo phải chạy loạn, theo đường biển đến Đàng Trong (phía Nam Việt Nam) để xin tị nạn.

Những giai đoạn về sau, số lượng người Hoa đến Việt Nam lại tiếp tục tăng sau mỗi biến động xã hội bên Trung Quốc. Chẳng hạn, từ năm 1937 đến năm 1945, một số lượng lớn người Hoa từ các khu vực ở Trung Quốc bị phát xít Nhật chiếm đóng cũng chạy xuống Việt Nam lánh nạn.

Việc di cư của người Hoa chỉ tạm ngừng lại khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.


Tên gọi

Tùy theo từng thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh tiếp xúc hoặc nguyên nhân di cư mà người Trung Quốc tự xưng về tên dân tộc của mình khác nhau, cũng như người Việt gọi họ theo các tên khác nhau. Chẳng hạn, người Hoa ở Việt Nam hiện nay thường tự nhận mình là Đường Nhân 唐人 (hay Thòn dành tiếng Quảng Đông, Từng nán tiếng Triều Châu), tức người Đường hoặc hậu duệ của nhà Đường - một triều đại mà họ tự hào có nền văn minh rực rỡ và hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Ở Việt Nam, cộng đồng người Hoa được chia theo năm nhóm ngôn ngữ gồm: người Quảng Đông, người Triều Châu (Tiều), người Hẹ, người Phúc Kiến người Hải Nam.

Trong thời Bắc thuộc, người Việt gọi người Trung Quốc là người Hán. Xen kẽ trong thời kỳ đó, người Việt còn gọi người Trung Quốc là người Ngô [3] khi nước ta bị cai trị bởi nhà Đông Ngô của Tôn Quyền từ năm 226 thời Tam Quốc. Cách gọi này là để phân biệt với người Hán từng cai trị nước ta trước đó.

Việc người Việt gọi những di dân gốc Trung Quốc sinh sống tại Việt Nam là người Hoa được sử dụng phổ biến và chính thức kể từ khi Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1950, bắt đầu từ các văn bản của nhà nước Việt Nam. [4] 
 
Vậy những tên gọi Tàu, Ba Tàu, Minh Hương, v.v. để gọi người Hoa tại Việt Nam có nguồn gốc như thế nào? Mời quý vị xem nội dung chi tiết bên dưới.
 

Tại sao người Việt gọi người Hoa là Ba Tàu?

Một số ý kiến cho rằng Tàu trong Ba Tàu có nghĩa là tàu bè, tàu thuyền

Chẳng hạn, phần Tạp vụ [5] của Gia Định báo (năm thứ 6, số thứ 5) phát hành ngày 16 tháng 2 năm 1870 có một đoạn viết như sau:


 “Người bên Tàu thường kêu là người trung quốc nghĩa là nước ở giữa, vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu; chỗ kinh thành hoàng đế ở lại ở vô giữa các nước chư hầu nên gọi là trung quốc. Người bên Tàu thường kêu mình là Đường sơn, Đường nhơn hay Thanh nhơn, nghĩa là người nhà Đường nhà Thanh. Annam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì người Khách thường đi Tàu qua đây, lại dùng Tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu, ...”. [6]


Gia Định báo
Phần Tạp Vụ (Gia Định báo) số ra ngày 16-02-1870 giải thích về nguồn gốc tên gọi Tàu của người Trung Quốc

Đồng quan điểm trên, Huình-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quấc âm tự vịcũng cho rằng: “Người Annam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu". [7]

Đại Nam Quấc âm tự vị - Tàu
Giải thích của Huỳnh-Tịnh Paulus Của về nguồn gốc tên gọi Tàu của người Trung Quốc trong Đại Nam Quấc Âm tự vị 

Trong khi đó, Vương Duy Trinh - Tổng đốc Thanh Hóa giai đoạn 1889 - 1906, cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam Quốc người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo.

Cụ thể, trong cuốn Thanh Hóa Quan Phong, Vương Duy Trinh viết như sau:

"Vả lại đương khi ấy, ba nước tranh hùng, mà người nước Nam gọi sứ giả bên Tào là thằng Tàu, gọi sứ giả bên Ngô là thằng Ngô, gọi sứ giả bên Thục là khách Thục, dường là trọng bên Thục mà khinh bên Ngô bên Tào, cũng là ở chưn sau cái việc thất cầm thất túng đó chăng. 

Tiếng nói Trung Quốc với thổ âm nước Nam khác. Chữ Tào gọi là Tàu, cũng như tụ tam gọi là tổ tôm. Sau này lại có chữ hồi Đường, lại là thuở nước Nam ta nội thuộc đời nhà Đường, khách Thục cũng như Thanh khách, là lấy tân khách mà đãi người ta vậy
". [8]

Về quan điểm này, chúng tôi (Quang Nguyễn) đồng tình với nhà nghiên cứu An Chi rằng giải thích trên của Vương Duy Trinh chưa thỏa đáng vì nước ta thời Tam Quốc lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Ngụy thì làm gì có chuyện "gọi sứ giả bên Tào là thằng Tàu" (...), gọi sứ giả bên Thục là khách Thục"? Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên là Ngụy mà phải dùng họ Tào để gọi?

Tuy vậy, sau khi phản bác ý kiến của Vương Duy Trinh, ông An Chi lại đưa ra cách giải thích mà theo chúng tôi là cũng chưa thuyết phục khi ông cho rằng Tàu trong Ba Tàu vốn là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là cơ quan triều đình, hiểu rộng ra là quan:

 
 
"Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan (...). Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan - đây là tuyệt đại đa số - cũng được "vinh dự" gọi là Tàu. (...) Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là "thực dân". [9]

Nghĩa là khác với Vương Duy Trinh cho rằng Tàu = Tào = Bắc Ngụy của Tào Tháo thì ông An Chi cho rằng Tàu = Tào = cơ quan triều đình = quan!

Có lẽ ông An Chi thấy từ nguyên học đâu có dễ dàng và ngộ nghĩnh như cái kiểu giải thích "sở dĩ ta gọi người Trung Quốc là Tàu bởi vì họ sang ta bằng tàu” nên ông muốn "lắt léo" thêm cái chữ Tàu chăng? Bởi xét ở hai điểm sau sẽ thấy quan điểm của ông chưa thật sự thuyết phục:

1. Ta gọi người Trung Quốc là Tàu (= quan) vì họ là quan cai trị nước ta thời Bắc thuộc và tuyệt đại đa số những người Trung Quốc từ thời Bắc thuộc cách đây hơn 2.000 năm kéo dài cho đến tận thế hệ những người Trung Quốc hoặc di dân gốc Trung Quốc hiện nay ở thế kỷ XXI, vẫn "vinh dự" được dân Việt tôn xưng là quan (= Tàu) hay sao? Chúng tôi những tưởng rằng khi ông cha ta giành lại độc lập và chủ quyền lãnh thổ sau hơn 1.000 năm bị đô hộ bởi người Trung Quốc thì cái tâm lý bầy tôi xem người Trung Quốc là "quan", là "bề trên" cũng đã biến mất theo; thậm chí ngay từ thời Bắc thuộc, những người Hán sang định cư nước ta đều bị đồng hóa vào lối sống Việt, vào văn hóa Việt [10]  và trở thành người Việt thực thụ rồi? Lại nữa, từ sau thời kỳ Bắc thuộc, những người Trung Quốc di cư sang Việt Nam chủ yếu là xin tị nạn chính trị do nội chiến ở trong nước họ chứ không phải ở cái tâm thế của kẻ đô hộ, dân Việt vẫn tôn xưng những người xin tị nạn này là quan (= Tàu) hay sao?  

2. Tiếng Hán đã có sẵn chữ quan 官 nghĩa là ... quan thì tại sao phải lắt léo từ Tàu thành Tào rồi phải hiểu theo nghĩa rộng là cơ quan triều đình rồi lại phải hiểu rộng ra là quan
 

Chữ Ba trong Ba Tàu có nghĩa là gì?


Theo những tài liệu đã dẫn ở trên, chúng tôi thấy rằng cho tới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Việt chỉ gọi người Trung Quốc là Tàu (nước Tàu, người Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu, v.v..) chứ không nói Ba Tàu. Chẳng hạn như Gia Định báo số ra năm 1870 mặc dù viết khá chi tiết về người Tàu nhưng không hề đề cập đến Ba Tàu. Tương tự vậy, năm 1895-1896, khi xuất bản Đại Nam Quấc Âm tự vịHuình-Tịnh Paulus Của cũng chỉ ghi nhận chữ Tàu chứ không đưa chữ Ba Tàu vào cuốn từ điển của ông. 

Như vậy, phải chăng người ta gắn thêm chữ Ba trước chữ Tàu chỉ là cách gọi sau này, ít nhất là từ đầu thế kỷ XX trở lại đây và từ Ba chỉ đóng vai trò như một phụ tố cho căn tố Tàu?

Để bạn đọc rộng đường tham khảo, chúng tôi liệt kê bên dưới một số luận giải phổ biến về chữ Ba trong Ba Tàu như sau: 
 
1. Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống gồm vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Tiên. [11]  

2. Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả), anh Ba (con thứ), v.v.. Vì lý do đó mà người Tàu thường lễ phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em/ anh Ba. Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vì vậy. [12]

3. Ba nghĩa là ít không đáng kể hoặc nhiều nhưng không muốn đếm, tức là không đáng nói tới, kiểu như: thằng này ba trợn, nhậu ba sợi, v.v.. Cho nên khi Tàu mà dùng kèm với từ ba thì rõ ràng có hàm ý coi thường, không quan tâm: "Ôi, chấp gì mấy thằng ba Tàu"! 

4. Trong cách xưng hô của người Sài Gòn xưa thì Ba là từ dùng để gọi những thương gia Hoa kiều có thế lực và tài chính hùng mạnh, có bang hội tương trợ lẫn nhau trong việc làm ăn. Vào thời kỳ này, các chú Ba Tàu nhận được sự vị nể, trọng vọng lớn của dân Sài Gòn Chợ Lớn. Trong câu nói dân gian về Tứ đại phú hộ của đất Sài Gòn xưa (nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa) [13] thì ngoài Huyện Sỹ (tên thật Lê Phát Đạt, nguyên quán Long An, là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu), 3 người còn lại đều là người gốc Hoa gồm Tổng đốc Phương (tên thật Đỗ Hữu Phương), Bá hộ Xường (tên thật Lý Tường Quan), chú Hỏa (tên thật Hui Bon Hoa/ Huỳnh Văn Hoa).

5. Người Việt vốn gọi người Trung Quốc là người Hoa (tức người Trung Hoa) nhưng vì tránh phạm húy tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) nên đổi thành Ba. Minh chứng tương tự cho việc Hoa đổi thành Ba, theo luận giải này, có thể kể như: chợ Đông Ba ở Huế vốn là chợ Đông Hoa do kỵ húy mà đổi thành; hoặc như trong câu ca dao của người Quảng Nam: "Thủng thỉnh lượm bông ba rơi - Lượm cho có cách hơn người trèo cao" thì bông ba ở đây tức là bông hoa. [14]
 
Tóm lại, Ba Tàu là từ mà việc tầm nguyên tưởng đơn giản hóa ra phức tạp vì tính chất đồng âm dị nghĩa kể cả xét theo từ thuần Việt lẫn ở từ gốc Hán, dẫn đến nhiều quan điểm giải thích khác nhau. Dù vậy, chúng tôi không cho rằng Ba ở đây là số đếm 3 như ba (3) vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa sinh sống làm ăn như cách giải thích 1 đã đề cập, hay là do người Việt thấy có ba (3) chiếc Tàu lớn chở người Trung Quốc sang nên gọi là Ba Tàu, v.v.. 


Vậy nguồn gốc của chữ Ba Tàu là gì?


Theo thiển ý của chúng tôi, Ba trong Ba Tàu là một từ gốc Hán bắt nguồn ở chữ ghi 番 còn có âm Hán Việt khác là phiên được Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển giảng là: "người Tàu xưa gọi người ngoại quốc, hoặc các rợ dã man ở bốn phương là phiên" [15]; còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là: "Giống Phiên, đời sau gọi các nước ngoài là phiên cả. Như phiên bố 番布 vải tây, phiên bạc 番舶 tàu tây, v.v." [16]

Như vậy, Ba 番 (= phiên) ngoài cái nghĩa chỉ những dân tộc thiểu số ở biên giới Trung Quốc còn là tính từ mang tính chất ngoại quốc, ngoại tộc, ngoại lai đại loại như (cái gì đó) có nguồn gốc hoặc đến từ ngoại quốc; nhóm hoặc dân tộc thiểu số từ ngoại quốc đến, v.v.. 

Còn chữ Tàu là biến âm của Tào 曹 ngoài cái nghĩa là quan như ông An Chi đã nói ở trên, còn có nghĩa là: "bầy, bọn" (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Sđd, tr.235) hoặc "lũ, bọn, như nhĩ tào 爾曹 lũ mày, chúng màyngã tào 我曹 bọn ta" (Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Sđd, tr.333). 
 
Theo đó, Ba 番 ghép với Tào 曹 sẽ cho ra Ba Tào 番曹 (= Ba Tàu theo hình thức biến âm) nghĩa là bọn hoặc đám người từ ngoại quốc đến; lũ ngoại quốc; đám ngoại lai; bọn ngoại tộc, v.v..

Điều này đồng nghĩa với việc người Việt coi những di dân Trung Quốc trong quá khứ (sau này là người Việt gốc Hoa) là nhóm hoặc cộng đồng người từ ngoại quốc đến nhưng mang hàm ý miệt thị khi dùng chữ Tàu (= lũ, bọn, đám, bầy, v.v..). Đó là lý do Ba Tàu bị coi là từ mang hàm ý thiếu thiện cảm của người Việt đối với người Hoa.
  
Quán cafe Ba Tàu
Quán cà phê Ba Tàu trên đường Nguyễn Tri Phương (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ảnh: Quang Nguyễn


Tại sao người gốc Hoa còn được gọi là người Minh Hương?


Tên gọi người Minh Hương chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII. Những người Hoa được gọi là người Minh Hương đầu tiên ở Việt Nam là những di thần nhà Minh chạy loạn sang trong phong trào phản Minh phục Thanh. 

Trong chữ Minh Hương thì chữ Minh nghĩa là triều đại nhà Minh; còn chữ Hương có nghĩa là hương thơm và cũng được hiểu là hương hỏa, tức là hương và đèn (lửa), chỉ việc thờ cúng tổ tiên. Theo đó, người Minh Hương ban đầu được hiểu là những người Trung Hoa trung thành với nhà Minh hoặc là con cháu nhà Minh và là những người duy trì hương hỏa cho nhà Minh". [17]

Những người Minh Hương thời kỳ này thường được gọi là người Minh Hương cũ, tức chủ yếu là người Hoa tị nạn chính trị. Đến nửa cuối thế kỷ XVII trở đi, làn sóng tị nạn chính trị mới lại tiếp tục diễn ra, tiêu biểu là Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu; đồng thời, các Minh Hương xã mọc lên hàng loạt ở Đàng Trong, trong đó chủ yếu ở khu vực Nam Bộ ngày nay. Thời kỳ này cũng chứng kiến quá trình "Việt hóa" diễn ra mạnh mẽ của người Minh Hương do có sự thông hôn với phụ nữ Việt. Một số đứa trẻ hỗn huyết giữa mẹ Việt, cha Minh Hương do ảnh hưởng của mẹ cũng dần mất đi ý thức về nguồn gốc người Trung Quốc. Song song đó, người Minh Hương - với tư cách là những người tị nạn chính trị, đã chuyển hóa thành Minh Hương - với tư cách là cộng đồng người hỗn huyết ở Việt Nam. [18] 

Năm 1827, vua Minh Mạng đã ra lệnh đổi tên xã Minh Hương (= hương thơm - hương hỏa) thành xã Minh Hương (= làng xã) [19]. Điều đó có nghĩa là triều Nguyễn đã gộp chung tất cả người Hoa, dù là người Minh Hương cũ hay thành viên các bang của cộng đồng mới, đều thuộc về một thực thể mới gọi là Minh Hương. [20]  


Trong cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ, nhà báo Đào Trinh Nhất đã giải thích cụ thể về người Minh Hương như sau:

"Số là người Tầu sang làm ăn bên nước ta, không mấy người đem vợ theo, sang bên này mới lấy vợ An Nam là thường. Triều đình ta muốn lợi dụng cái tình thế ấy, để cho tăng dân số nước mình lên, bèn định lệ rằng : hễ người nào do bố khách mẹ An Nam đẻ ra, thì tức là dân An Nam, bắt tụ họp thành ra làng riêng gọi là  "Minh hương" (明鄕), nghĩa hễ làng của người nhà Minh, bất cứ dân lai khách ở chỗ nào, cũng có thể lập thành làng Minh hương được cả, hễ ở đâu thì lập thành làng ở đó.

Năm Minh Mệnh thứ 10 (năm 1829) định lệ rằng : người Tàu nào sang làm ăn bên nước Nam được phép lấy đàn bà An Nam, nhưng nếu đem vợ An Nam về Tàu thì phải xử lội rất nặng, đem con lai về cũng vậy, và cạo đầu cho con mà để bím thì cũng phải tội, nghĩa là Triều đình buộc ngặt rằng : người Tàu lấy vợ An Nam đẻ con, con ấy tức là dân An Nam, để lợi sự đông dân lên cho nước vậy. Đã là người Minh hương, thì nhất thiết phải theo lễ nghĩa, y phục, luật pháp và đóng thuế má, cũng là được thi cử làm quan, y như người An Nam cả". [21] 

Tóm lại, Ba Tàu hay người Minh Hương, v.v. đều là những tên gọi khác của người Hoa tại Việt Nam và là một thành phần trong cộng đồng 54 dân tộc đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số ngày 1 tháng 4 năm 2019, người Hoa ở Việt Nam có khoảng 750.000 người, đa số tập trung ở các tỉnh phía Nam. [22]

Với bản tính cần cù, nhẫn nại, có khiếu kinh doanh, hầu hết người Hoa ở Việt Nam là những người giỏi buôn bán, giữ chữ tín trong làm ăn. Đồng hành cùng lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, người  Hoa đóng vai trò nổi bật trong nền kinh tế Việt Nam.

Phần lớn người Việt bây giờ không còn nhìn người Hoa theo kiểu kỳ thị như trước đây. Những cách gọi thiếu thiện cảm, mang tính kỳ thị về người Việt gốc Hoa như Tàu, Ba Tàu, Chệch, v.v.. cũng không còn thông dụng như trước.



Chú thích

[1], [2]. Châu Thị Hải. (2008). Người Hoa trong lịch sử Việt NamKỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, tr. 459.

[3]. Cái lệ gọi người Trung Quốc là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng: "thằng Ngô con đĩ".

[4]. Thuật ngữ Hoa kiều (trong văn bản tiếng Anh là Huaqiao) xuất hiện từ thế kỷ XIX và được chính phủ Trung Quốc sử dụng cho tất cả người Hoa ở nước ngoài từ những năm 1910 trở đi. Hiến pháp năm 1957 và 1984 định nghĩa Hoa kiều là công dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cư trú ở nước ngoài. [Tham khảo:
Lê Hữu Huy. (2022). Người Hoa, họ là ai - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn online. Truy cập ngày 22-3-2023]. 

[5]. Một bài thuộc vào loại phiếm luận ngày nay.

[6]. Trương Vĩnh Ký và nhiều người khác. (16-2-1870). Tạp vụ. Gia Định báo, số 5.

[7]Huình-Tịnh Paulus Của. (1896). Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome 2. Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Tr. 962.

[8]. Vương Duy Trinh. (1973). Thanh Hóa Quan Phong. Sài Gòn: Ủy ban dịch thuật, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên. Tr. 97.

[9].  An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 1. TP HCM: NXB Trẻ. Tr. 66 - 67.

[10]. Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận. (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. NXB Văn Học. Tr.14.  

[11], [12]. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Người Hoa. Truy cập ngày 25-3-2023.

[13]. Vị trí thứ 4 trong Tứ đại phú hộ thường có sự thay đổi. Ngoài Hỏa (tức chú Hỏa) còn có Định (tức Trần Hữu Định, bá hộ Định), Trạch (tức Trần Trinh Trạch,cha của Trần Trinh Huy - người nổi tiếng với danh xưng Công tử Bạc Liêu), Bưởi (tức Bạch Thái Bưởi).

[14]. Thiếu Khanh. (2019). Lại nói về "ba tàu" và "các chú". Văn Việt. Truy cập ngày 15-1-2023.

[15]. Đào Duy Anh. (1951). Hán Việt từ điển, quyển Hạ. Paris, Pháp: NXB Minh Tân. Tr. 117

[16]. Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 491.

[17], [18], [20]. Dương Văn Huy. (2017). Sự chuyển hóa của cộng đồng người Minh Hương ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XVII đến nửa sau thế kỷ XIXTạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Số 9 (210): tr. 69 - 71.

[19]. Chữ Hương trong Minh Hương ban đầu là 香 nghĩa là thơm để kết hợp với chữ Minh cho ra cái nghĩa hương hỏa nhà Minh; đến năm 1827 thì vua Minh Mạng đổi chữ 香 thành chữ 鄕 có nghĩa là làng, quê. Ngày xưa, cứ một khu vực có 12,500 nhà thì gọi là hương. Người cùng tỉnh cùng huyệnđều gọi là đồng hương (同鄉); ly hương (離鄉) tức là lìa quê đi ra ngoài; hoàn hương (還鄉) nghĩa là về quê

[21]. Đào Trinh Nhất.(1924). Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ. Hà Nội: Nhà in Thụy Ký. Tr. 15 - 19.

[22]. Tổng cục thống kê. (2020). Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Hà Nội: NXB Thống Kê.

 
Thư mục

• Đào Duy Anh. (1951). Hán Việt từ điển, quyển Hạ. Paris, Pháp: NXB Minh Tân.

• Nguyễn Duy Bính. (1999). Hôn nhân và gia đình người Hoa ở Nam Bộ [Luận án Tiến sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM].

• An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 1. TP HCM: NXB Trẻ.


• Nguyễn Ngọc Chính. (2014). Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Vay mượn từ người Tàu. Hội quán Phi Dũng. Truy cập ngày 15-1-2023.

• Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Huình-Tịnh Paulus Của. (1896). Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome 2. Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie.

• Huỳnh Ngọc Đáng. (2005). Chính sách của vương triều Việt Nam đối với người Hoa [Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM].

• Châu Hải. [1992]. Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

• Châu Thị Hải. (2008). Người Hoa trong lịch sử Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, trang 458-464. VNH3.TB2.697.

• Dương Văn Huy. (2017). Sự chuyển hóa của cộng đồng người Minh Hương ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XVII đến nửa sau thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Số 9 (210): trang 68-75.

• Nguyễn Văn Huy. (1993). Người Hoa tại Việt Nam. Paris, Pháp: NXB NBC.

• Thiếu Khanh. (2019). Lại nói về "ba tàu" và "các chú". Văn Việt. Truy cập ngày 15-1-2023.

• Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận. (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn Học.

• Trương Vĩnh Ký và nhiều người khác. (16-2-1870). Tạp vụ. Gia Định báo, số 5.

• Đỗ Quỳnh Nga. (2011). Việc sử dụng người Hoa của các chúa Nguyễn trong công cuộc mở đất miền Tây Nam Bộ. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Số 4: trang 40-49.

• Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. (2012). Vai trò của người Hoa trong việc hình thành và phát triển các trung tâm thương mại ở Nam Bộ (thế kỷ XVII - XIX). Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4, trang 1234-1245. ISBN: 978-604-73-7135-8

• Đào Trinh Nhất. (1924). Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ. Hà Nội: Nhà in Thụy Ký.

• Đức cha Adriano di St. Thecla. (2018). Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài: Nghiên cứu về tôn giáo ở Trung Hoa và Bắc Việt Nam thế kỷ 18. Hà Nội: NXB Thế Giới.

• Tổng cục thống kê. (2020). Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Hà Nội: NXB Thống Kê.

• Vương Duy Trinh. (1973.) Thanh Hóa Quan Phong. Sài Gòn: Ủy ban dịch thuật, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên.
 

Sách hay chọn lọc tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc


Thành ngữ Trung Việt thông dụngThành ngữ Trung Việt thông dụng
NXB Dân Trí, 2019
Mua sách

Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủyĐặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy
NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2022
Mua sách

Cẩm nang du lịch Trung QuốcCẩm nang du lịch Trung Quốc
NXB Dân Trí, 2018
Mua sách  


Trung Hoa sử cươngTrung Hoa sử cương
NXB Quan Hải Tùng Thư, 1942
Tải sách  

  

Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)