Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, tên thánh là Pierre, sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo, cha mất sớm.
Thuở nhỏ ông sống và học tiểu học ở Quy Nhơn, học trung học ở Huế, sau làm ở Sở Đạc Điền, bị thôi việc vì đau ốm. Năm 1934-1935, ông vào Sài Gòn làm báo, về sau lại trở ra Quy Nhơn. Năm 1936, ông bị mắc bệnh phong, phải vào nhà thương Quy Nhơn và qua đời ở đó khi mới 28 tuổi.
Hàn Mặc Tử làm thơ khá sớm, 14 tuổi đã làm thơ Đường luật đăng báo với bút danh đầu tiên là Minh Duệ Thị. Sau đó là các bút danh Phong Trần, Lệ Thanh và cuối cùng là Hàn Mặc Tử.
Sinh thời Hàn Mặc Tử mới xuất bản được tập Gái quê vào năm 1936, các tập thơ khác đều do bạn bè của ông xuất bản sau khi ông qua đời.
Thế giới thơ Hàn Mặc Tử khá phức tạp, trong khoảng hơn 10 năm Hàn Mặc Tử đi từ thơ luật Đường cổ điển qua lãng mạn đến ít nhiều tượng trưng, siêu thực. Tập Gái quê và một số bài trong Đau thương cảm xúc trong trẻo, lời thơ nhẹ nhàng, tứ thơ bình đị, tình ý nồng nàn rạo rực, nhưng càng về sau này thơ ông càng kinh dị, huyền bí và đượm màu sắc tôn giáo. Những đau đớn về thể xác,về linh hồn để lại những dấu tích rõ rệt trong tác phẩm.
- “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình (...) Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mạc Tử.” - Chế Lan Viên
- “Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi" - Trần Đăng Khoa