Cập nhật lần cuối vào ngày 10/12/2022
Aristotle
Aristotle (384 - 322 TCN)
Aristotle là nhà khoa học, triết học và là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại. Ông là học trò của Platon và là thầy dạy của Alexandros Đại đế - một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Aristotle được xem là người đặt nền móng cho môn Luận lý học, "cha đẻ" của Khoa học chính trị và là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất về chính trị, tâm lý học và đạo đức.
Tiểu sử
Aristotle (cái tên có nghĩa là "mục đích tốt nhất") sinh vào năm 384 TCN tại Stagira - một thị trấn nhỏ nằm trên bờ biển phía bắc Hy Lạp vốn trước đây là cảng biển, thuộc vương quốc Macedonia. Cha của Aristotle - Nicomachus, là ngự y của vua Amyntas III vương quốc Macedonia ở phía Bắc Hy Lạp. Nicomachus thuộc dòng họ có nghề làm thuốc gia truyền mà ông tổ có thể chính là Hippocrates - người được xem là cha đẻ của Y học phương Tây. Cha của Aristotle vừa là bác sĩ riêng vừa là bạn của vua Amyntas III, còn bản thân Aristotle là bạn của hoàng tử Phillip.
Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, Aristotle đã được chứng kiến các hoạt động của người cha chữa trị cho các bệnh nhân trong vùng từ các loài thuốc lấy từ thảo mộc. Nhờ thế mà Aristotle sớm quan tâm đến thiên nhiên, sinh học và môn giải phẫu để khảo cứu cấu tạo bên trong của cơ thể sinh vật.
Trong quá trình tìm hiểu học hỏi đó, ông sớm tỏ ra có biệt tài quan sát, khám phá, một năng lực rất cần thiết cho công việc sau này của ông.
Nhưng chẳng may, bố mẹ ông mất sớm khi Aristotle vẫn mới chỉ là một cậu bé. Vì vậy, chị gái Arimneste và người anh rể Proxenus of Atarneus trở thành người giám hộ cho Aristotle đến khi ông trưởng thành.
Chưa đầy 17 tuổi, Aristotle không đủ điều kiện để theo đuổi nghề y như truyền thống của gia đình, mà phải theo hướng khác. Ông đã phải xa gia đình đến Athens - thủ đô Hy Lạp, để học tập. Thời đó, Athens được xem là trung tâm học thuật của thế giới.
Aristotle vào học ở trường của Platon - một nhà triết học nổi tiếng. Trường của Platon gọi là Academy, đã có truyền thống 20 năm trước khi Aristotle đến học. Ở đấy, học sinh vừa được trau dồi kiến thức vừa được tự do suy nghĩ. Tên trường - Academy có nghĩa là Viện Hàn Lâm hay Học Viện, nơi nghiên cứu nặng về tư duy, lý luận hơn là các vấn đề thực tế. Ở đấy người ta ít tổ chức lên lớp, không coi trọng các môn thực hành như lý, hóa, kỹ thuật - cũng chẳng mấy quan tâm tới quan sát, thí nghiệm, thực nghiệm. Platon khuyến khích học sinh của mình đoạn tuyệt với thực tại hàng ngày, thoát ly những điều tai nghe mắt thấy để trí óc được tự do bay bổng tìm tòi tri thức mới với lòng sùng tín rất cao.
Sau khi học xong ở Academy, Aristotle được giữ lại làm thầy giáo và ở Academy tới 20 năm. Mãi đến khi Platon mất, người cháu là Speusippus lên thay, chủ trương theo thuyết của Pythagoras (Pi-ta-go), tuyệt đối hóa toán học, cho rằng con số có thể giải thích được mọi thứ của cả thế giới. Không chấp nhận được lý thuyết đó, Aristotle quyết định rời Academy.
Ông được Hermias - một người bạn và cũng là vua xứ Atarneus và Assos, mời về Mysia.
Trong 3 năm sống ở Mysia, Aristotle gặp và cưới người vợ đầu, Pythias - cháu của vua Herminas. Hai người có với nhau đứa con gái cũng tên là Pythias (lấy tên của mẹ).
Năm 335 TCN, cùng năm Aristotle mở trường dạy học Lyceum ở Athens, vợ ông qua đời. Không lâu sau đó, Aristotle cưới Herpyllis - một người phụ nữ đến từ quê nhà Stagira của ông. Theo nhiều nhà sử học, Herpyllis có thể là nô lệ của Aristotle được cấp cho ông bởi Tòa án vương quốc Macedonia. Các nhà sử học cho rằng cuối cùng Aristotle đã giải phóng cho Herpyllis và kết hôn với cô.
Aristotle và Alexandros Đại đế. Ảnh: Getty Images
Vào năm 338 TCN, Aristotle trở về vương quốc Macedonia để dạy cho Alexandros - cậu con trai 13 tuổi của vua Phillip II - người sau này trở thành Alexandros Đại đế. Alexandros chăm chỉ học hành nhưng không thích các môn triết học do Aristotle dạy mà thích võ thuật, chiến thuật và chinh phục thế giới hơn. Tuy nhiên, Alexandros rất trọng vọng Aristotle và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tư tưởng của ông.
Năm 335 TCN, khi Alexandros kế vị ngai vàng từ vua cha Phillip II, Aristotle trở lại Athens. Tại Athens, học viện Platon (Platon Academy) lúc này do Xenocrates điều hành, vẫn là trường uy tín hàng đầu về tư tưởng Hy Lạp.
Với sự cho phép của Alexandros Đại đế, Aristotle bắt đầu mở trường học của chính mình mang tên Lyceum. Ông dành phần lớn thời gian để dạy học, nghiên cứu tại Lyceum cho đến khi Alexandros Đại đế qua đời.
Năm 323 TCN, Alexandros Đại đế đột ngột qua đời. Aristotle mất đi một người học trò đồng thời còn là một người bạn lớn. Dân chúng ở Athens bắt đầu nổi dậy chống chính quyền Macedonia và bản thân Aristotle cũng là một trong những mục tiêu của sự chống đối ấy. Để tránh nguy hiểm, ông dời về Chalcis - thủ phủ của đảo Euboea ở Hy Lạp.
Năm 322 TCN, Aristotle - một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của mọi thời đại, đã trút hơi thở cuối cùng sau một năm tránh sự nổi dậy của dân chúng Athens.
Những khám phá và tác phẩm của Aristotle
Aristotle viết rất nhiều công trình dưới dạng đối thoại, nhưng rất tiếc chỉ còn giữ được rất ít đến ngày nay.
Arostotle tự hỏi tại sao các vật thể lại chuyển động? Tại sao các vì sao lại xuất hiện trên bầu trời khi đêm xuống? Trong tác phẩm “Bầu trởi”, ông cho rằng mọi vật đều do 4 yếu tố tạo thành, gồm đất, không khí, nước, lửa và cho rằng mỗi thứ đều có cách chuyển động riêng theo một hướng nào đó. Ông cho rằng các vì sao và thiên thể hình như chuyển động theo cách xoay vòng khác với chuyển động của bốn yếu tố trên.
Cuộc đời Aristotle có nhiều lần di chuyển chỗ ở và thực hiện các cuộc du khảo xa gần. Chính trong các chuyến dã ngoại đó đã giúp ông có các quan sát và nghiên cứu về thiên nhiên, đặc biệt về cá và sò, ốc. Ông mổ xẻ chúng để mô tả và sắp xếp chúng thành từng thể loại. Trong khi các đồng nghiệp của ông chỉ nghiên cứu đối tượng theo kiểu “chọc gậy xuống nước” thì các mổ xẻ thực nghiệm, quan sát của ông đã mở đầu cho một phương pháp khoa học mới, khác với đương thời, còn duy trì cho đến ngày nay.
Kết quả của các tìm tòi nghiên cứu ấy của ông là sự ra đời của các tác phẩm nổi tiếng như:
• Những bộ phận của động vật
• Lịch sử động vật
• Về sự sinh sản của động vật
• Luận lý học (gồm 6 quyển), Vật lý học (gồm 8 quyển), Vạn vật học.
• Tâm lý học gồm: Cảm giác và các vật cảm thụ được, trí nhớ và sự hồi tưởng, ngủ và thức, giấc mơ.
• Đạo đức học, chính trị học, tu từ học, thi pháp
Ông đã mô tả được khoảng 500 loại động vật vào lúc ấy và sắp xếp chúng thành hai nhóm. Một nhóm gồm những động vật máu đỏ như: chim, cá, rắn, động vật có vú ... mà ngày nay gọi là động vật có xương sống. Nhóm kia là những động vật không có máu như sứa, giun và côn trùng, sao biển, ... mà ngày nay gọi là động vật không xương sống. Thực ra nhóm này người ta biết là có máu nhưng hệ tuần hoàn của chúng có hơi khác với hệ tuần hoàn của động vật có xương sống.
Ở thời bấy giờ, những khám phá của Aristotle về thế giới sống là cực kỳ xuất sắc, đi trước nhân loại nhiều thế kỷ. Chẳng hạn ông đã mô tả ống nhỏ nối tai trong với sau họng ở người. Sau này mãi năm 1550, nhà khoa học Bartolomeo (người Ý) ở Lazio mới phát hiện lại.
Đặc biệt, các nghiên cứu về cá của ông cũng như những mô tả của ông về phôi sinh học đã được tiến hành một cách chính xác và tỉ mỉ đến mức cho tới thế kỷ 17, tức 2000 năm sau, mới phải sửa đổi chút ít mà thôi.
Lịch sử động vật của Aristotle được xem là tác phẩm viết sớm nhất về loài vật. Trong đó, ông có nhiều khám phá chính xác đến tuyệt vời như:
• Khẳng định cá heo không phải là cá vì chúng biết hít thở không khí như người
• Trong khi người đương thời cho linh cẩu là loài lưỡng tính thì ông chứng minh linh cẩu cũng có con đực con cái như các loài có vú khác.
• Ông phát hiện ra trong tổ ong mật chỉ có ong chúa biết đẻ. Các mô tả về đời sống bên trong tổ ong mãi đến thế kỷ 13 vẫn không biết thêm gì hơn.
Tuy vậy, tác phẩm “tiên phong” trên cũng không tránh khỏi những hạn chế tất nhiên như:
• Ông cho rằng một số động vật sinh ra từ bùn và nước
• Giới tính của dê được quyết định bởi chiều gió thổi lúc dê cái thụ thai
• Trí khôn con người là ở tim chứ không phải ở óc
Nói tóm lại, suốt cuộc đời Aristotle đã thực hiện nhiều đề tài khoa học, từ tính chất vật lý của sự chuyển động đến âm thanh của châu chấu cọ chân vào cánh phát ra. Aristotle đã tập hợp, tích lũy được một hệ thống kiến thức đồ sộ để giải thích được mọi hiện tượng và sự kiện đương thời. Kho tàng kiến thức ấy bao quát rộng rãi và vững chắc đến mức nó tồn tại qua hàng chục thế kỷ, giúp cho nhiều thế hệ nhà bác học trên thế giới vận dụng và tiếp tục bổ sung, trong số ấy có Galileo Galilei, Isaac Newton, Darwin, ... Theo Darwin, tác giả của thuyết tiến hóa thì “các nhà bác học so với Aristotle, chỉ là các chú học trò nhỏ”.
Danh ngôn, câu nói nổi tiếng của Aristotle
• Tại sao những kẻ đố kỵ bao giờ cũng có một cái gì đó để buồn phiền? Đó là do hắn bị dày vò không chỉ vì những thất bại của bản thân hắn mà cả vì những thành công của người khác.
• Người thông minh bao giờ cũng đồng ý với người thông minh khác. Còn kẻ ngu ngốc thì thường không đồng ý với cả người thông minh lẫn người ngu ngốc. Cũng tương tự như vậy, tất cả những đường thẳng luôn luôn trùng lên nhau, còn những đường cong thì không bao giờ trùng nhau, cũng không bao giờ trùng với đường thẳng.
• Người làm bạn với tất cả mọi người không phải là bạn của ai cả
• Người vượt qua được nỗi sợ của mình sẽ thực sự có tự do.
• Không có thiên tài vĩ đại nào lại không có chút điên rồ.
• Tôi cho người vượt qua được dục vọng của mình can đảm hơn người đánh bại được kẻ thù, bởi chiến thắng khó khăn nhất là chiến thắng bản thân mình.
• Nhà nước ổn định duy nhất là nhà nước mà ở đó tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
• Sự thoải mái trong công việc tạo ra sự hoàn hảo.
• Người biết, làm. Người hiểu, dạy.
• Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy, sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động.
• Hiểu bản thân là điểm bắt đầu của mọi sự uyên thâm.
Sách hay về triết học và những nhà tư tưởng lớn
• Hiểu hết về triết học (How Philosophy Works) là một dạng sách triết phổ thông, nhập môn triết, cũng là một dạng từ điển nhỏ để tra cứu nhanh các triết thuyết. Đây là cuốn cẩm nang triết học đơn giản, trực quan nhất – từ trước đến nay.
• Lược sử triết học không chỉ giới thiệu những triết gia vĩ đại nhất của truyền thống triết học phương Tây mà còn giúp bạn đọc khám phá những tư tưởng cuốn hút của họ về thế giới cũng như cách lý tưởng nhất để sống với thế giới.
• Tính siêu việt của tự ngã được viết vào năm 1934 và công bố lần đầu vào năm 1936, là thành quả đầu tay của Jean-Paul Sartre không những giúp Sartre có được một vị trí trong phong trào hiện tượng học mà còn đặt nền tảng cho các lý thuyết triết học hiện sinh của ông sau này. |